Truyền Thông công giáo : hướng tới đào tạo lực lượng làm báo tư nhân?









Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam vừa khai mạc lớp Hội thảo Kỹ năng truyền thông Công giáo với tiêu chuẩn tham gia là người Công giáo và tuổi đời dưới 50, khai mạc ngày 22/6/2010 tại Trung tâm Mục vụ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (38 Kỳ Đồng, quận 3, Sài Gòn). Ngạc nhiên vì thông tin này, tôi cũng theo chân một người bạn tham dự khóa học.
Theo danh sách đăng ký, khóa Hội thảo có 58 tham dự viên, do Linh mục Lê Ngọc Thanh phụ trách. Theo lời Linh mục bề trên Giám tỉnh Phạm Trung Thành, truyền thông Công giáo lấy “Giáo dân là nền tảng của cộng đồng”, chớ không phải nhà thờ, các tu sĩ hay chức sắc tôn giáo. Đồng thời, Ngài khẳng định một chân lý: “Truyền thông là của mọi người”, truyền thông không phải là độc quyền, đặc quyền của một giai cấp hay một nhóm xã hội.
Quả thật, thời gian qua ở Việt Nam, chính truyền thông Công giáo (chớ không phải truyền thông nhà nước) đã đem đến cho người dân cả nước và thế giới biết đến sự thật về sự kiện Thái Hà, Đồng Chiêm, Cồn Dầu, Thanh Hóa… hay tin tức về việc cử hành Thánh lễ Phục sinh, một Thánh lễ quan trọng nhất của người Công giáo nhưng báo đài nhà nước Việt Nam đã không đưa tin.
Trong số người tham dự, có người đã là nhà báo chuyên nghiệp, người viết báo nghiệp dư, có người chưa bao giờ viết bài báo nào, nhưng có cùng một điểm chung là hội tụ về dưới ngôi nhà của Chúa Jêsu để cùng trao đổi những kiến thức và kinh nghiệm, những kỹ năng về truyền thông cơ bản, nhằm xây dựng Giáo hội về truyền thông.
Tham dự viên hội thảo làm nhiều nghề nghiệp xã hội khác nhau, điểm thuận lợi nhất cho việc dễ dàng truyền đạt kiến thức là những người tham gia phần lớn đều đang học Đại học hoặc đã học xong Đại học. Đa số là các bạn trẻ, có cả những “chuyên viên” giàu kinh nghiệm về IT và PR, tức mọi người đã có một nền tảng kiến thức nhất định nên có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức mới. Hội thảo nhanh chóng thể hiện điều này khi tham dự viên thẳng thắn, cởi mở trao đổi thắc mắc với Linh mục hướng dẫn.
Theo Linh mục Lê Ngọc Thanh, nội dung chương trình bao gồm những kỹ năng cơ bản như: tường thuật, bình luận, phóng sự, phân tích tổng hợp, đánh giá sự kiện, chụp ảnh, quay phim, phương pháp tiếp cận nguồn tin, tạo một bài phỏng vấn... Những kỹ năng khác như: quan sát, lắng nghe, đặt câu hỏi mở, v.v… Đây cũng là lớp hội thảo đầu tiên về truyền thông cơ bản do Tỉnh Dòng tổ chức. Hy vọng rằng sẽ trang bị được những kỹ năng cơ bản nhất cho tham dự viên, liên kết các thành viên thành mạng lưới, tuyển chọn được những cá nhân có năng khiếu để đào tạo những lớp chuyên sâu về truyền thông. Ngoài ra, tham dự viên còn được truyền đạt những kiến thức về công tác xã hội Công giáo, đạo đức internet, tâm lý công chúng truyền thông, phương pháp tra cứu Thánh Kinh.
Những tham dự viên. Ảnh: website chuacuuthe.com
Thật ra, ai cũng hiểu rằng hạnh phúc và vinh quang của người làm báo không phải đến từ những tấm bằng khen, giấy khen, danh hiệu có đóng dấu đỏ của ai đó, mà đến từ sự ngưỡng mộ, yêu mến, tin tưởng của bạn đọc đối với tác giả bài báo. Thời buổi bây giờ, tôi biết có những người luôn bỏ trong túi áo tấm thẻ nhà báo đóng dấu đỏ nhưng chưa hề có một bài báo nào khiến bạn đọc nhớ đến tên của họ. Hay có người nghề nghiệp chẳng dính dáng gì đến báo chí, không hề viết bài báo nào nhưng vẫn có thẻ nhà báo lận lưng để… khoe chơi. Tấm thẻ nhà báo chắc chắn nhất, hãnh diện nhất không phải là tấm thẻ màu đỏ do Hội Nhà báo Việt Nam cấp, mà là danh hiệu “nhà báo” được bạn đọc phong tặng. “Nhà báo tự do của nhân dân” không có tuổi hưu, ngòi bút nhà báo tự do không ngừng cung cấp cho bạn đọc sự thật cuộc sống sống động nhất cho đến khi “nhà báo” theo Thiên Chúa đến một thế giới khác.
Những người tham gia hội thảo tuy không được ai cấp cho tấm giấy chứng nhận, tấm bằng hay tấm thẻ nào cả. Nhưng chắn chắc một điều, những gì họ tiếp thu được sẽ hơn hẳn các lớp học chính quy, bởi lẽ cả người truyền đạt lẫn người dự hội thảo đều đến với nhau bằng cái tâm trong sáng, chân thành và một tinh thần khát khao học hỏi, khát khao phục vụ xã hội vì mục đích chung là “làm chứng cho sự thật” như lời Chúa Jêsu đã nói, đem sự thật và ánh sáng đến những thế giới tối tăm, bưng bít thông tin. Không có sự lừa dối, mưu mẹo hay “giấu nghề” tồn tại ở nơi này. Truyền thông Công giáo không có sự “chỉ đạo”, “định hướng” thông tin.
Sau năm 1975, xã hội Việt Nam là xã hội nhà nước độc quyền về truyền thông. Tất cả các phương tiện như: báo in, đài phát thanh, truyền hình đều do nhà nước nắm giữ và điều khiển. Nhà nước muốn cho “ăn” món gì thì người dân phải “ăn” món đó mà không có lựa chọn khác. Nói cách khác, người ta chỉ được “ăn” những món đã được “nhai” sẳn rồi “mớm thẳng vào miệng” người dùng, không có quyền có tiếng nói khác và cũng không có quyền có cách nghĩ khác. Bởi lẽ, nhà nước đã khống chế truyền thông, anh có cách nghĩ khác thì anh cứ để trong đầu của anh, anh viết ra, nói ra nhưng nhà nước kiểm duyệt, không cho đăng, không cho phát sóng thì nói, viết nhiều đến mấy cũng bằng không.
Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, khi mà khoa học kỹ thuật truyền thông có sự phát triển vượt bậc, không gian thông tin là một thế giới phẳng bởi sự “phủ sóng” của mạng internet thì nhà nước Việt Nam mất dần thế độc quyền về truyền thông. Trên các blog, các diễn đàn tự do, bằng cách ẩn danh, người ta có thể bày tỏ quan điểm của mình một cách cởi mở hơn mà không sợ bị nhà nước Việt Nam đàn áp, khủng bố. Một số cá nhân khác mạnh dạn xưng rõ danh tính, địa chỉ của mình ở trong nước khi “nhân danh mình phát ngôn” suy nghĩ của mình bằng các hình thức nói, viết thành bài viết hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, đó chỉ mới là dạng tự phát, trừ một số ít những người vừa là “nhà báo” (có thẻ của “lề phải”) vừa là thành viên các diễn đàn, hay chủ nhân các trang blog cá nhân, phần lớn những “diễn giả”, “ký giả” khác phần lớn chưa được qua đào tạo qua trường lớp chính quy. Bởi lẽ, nhà nước Việt Nam cũng “độc quyền” đào tạo nghề báo và tuyển chọn người làm báo có “lý lịch đỏ” ba đời còn khắt khe hơn cả tuyển người vào ngành Công an. Nhưng một điều ai cũng nhìn thấy là các “diễn giả”, “ký giả” tự do đem đến cho người xem, người nghe một sự thật sống động, trần trụi hơn, sự thật mà bạn không thể tìm thấy ở truyền thông nhà nước.
Bài học đầu tiên được triển khai trong Hội thảo là nguyên tắc “Truyền thông phải quân bình giữa công ích và quyền lợi cá nhân”, “xã hội có quyền biết những thông tin dựa trên sự thật, tự do, công bằng và tình liên đới”. “Mọi người phải dùng truyền thông để truyền bá những gì lành mạnh”, nói về cái xấu, phê phán cái xấu cũng là để xây dựng cái tốt. “Tố giác các nhà nước độc tài, xuyên tạc sự thật có hệ thống, thống trị dư luận bằng truyền thông, kết án với những lý do “trọng tội tư tưởng”…”.
Tuy chỉ là lớp đầu tiên được mở, nhưng với trình độ khoa học kỹ thuật và kiến thức của lớp trẻ Công giáo thời nay, hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để lạc quan mà nói rằng: Đây chính là những hạt giống đầu tiên ươm mầm cho một đội ngũ làm báo tư nhân, chống lại sự bưng bít thông tin và “định hướng dư luận” nhằm phục vụ lợi ích riêng cho một nhóm xã hội của báo chí độc quyền.
Nói là trao đổi kinh nghiệm về truyền thông Công giáo, nhưng ai cấm được “tham dự viên” sau này đem những kiến thức, kinh nghiệm đã học để “tác nghiệp” như một “nhà báo tự do của nhân dân”? 
Tạ Phong Tần
nguồn:http://suthatcongly.multiply.com/photos/hi-res/1M/332
Previous Post Next Post