Tản mạn mùa cưới


Mùa Đông đến, báo hiệu thời điểm cuối năm, cũng là lúc thiên hạ xôn xao chuyện cưới xin, và được quen gọi là “mùa cưới”. Phải chăng mùa Đông giá lạnh nên người ta cần tìm hơi ấm, hay là vì “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, như cố NS Trịnh Công Sơn nhận định? Hoặc đó chỉ là dịp thuận tiện cuối năm, người ta cưới vợ hoặc lấy chồng để… ăn Tết?

Trong mỗi Thánh lễ có nghi thức hôn phối, chúng ta lại được nghe đôi tân hôn long trọng thề hứa với nhau trước mặt vị đại diện Giáo hội và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa: “Anh (em) nhận em (anh) làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)”.

Có lẽ vì “quá quen” nên có thể chúng ta ít để ý đến chi tiết và ý nghĩa sâu xa của “lời thề” đó – dù có thể mang tầm vóc nghi thức. Ngoài 6 bí tích khác, bí tích Hôn phối có điểm đặc biệt: Tác nhân cũng là người lãnh nhận. Cả hai cùng tình nguyện ký “bản án chung thân”. Nếu bị ép buộc vì lý do nào đó mà phải “thưa có” thì tự thân bí tích đã bất thành. Sự tự nguyện yêu thương và trọn đời chung sống với nhau không chỉ cần thiết đối với người Công giáo mà còn gặp thấy trong ca dao:

Em ơi, ta nguyện cùng nhau

Răng long, tóc bạc, ta đừng quên nhau

Vả lại, chính Đức Kitô xác định: “Sự gì Thiên Chúa kết liên thì loài người chẳng được quyền phân ly” (Mt 19:6).

Với thời gian, bất kỳ thứ gì cũng có thể hư hao, ngoại trừ Lời Chúa, thậm chí cả những lời hứa, huống chi nhan sắc con người. Có những đôi lứa trung thành với nhau mà không hề nao núng hoặc thay lòng đổi dạ vì bất kỳ hoàn cảnh nào:

Chồng ta áo rách ta thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người

Tuyệt vời làm sao tấm lòng người phụ nữ – nói chung, và tấm lòng người phụ nữ Việt Nam – nói riêng, nếu biết nói và làm thế này:

Thế gian chuộng của, chuộng tài

Em đây chuộng nghĩa, chẳng nài giàu sang

Quả thật, cái “chén nước” trong tình chồng nghĩa vợ vô cùng quý giá và đáng trân trọng. Thông thường, phụ nữ được coi là “phe” luôn chịu thiệt thòi hoặc phải đơn phương thương trộm nhớ thầm. Thực ra, nam nhi cũng ray rứt không kém nếu không nói ra được điều-bình-thường-khó-nói ấy. Họ cũng rạo rực như ai:

Tay cầm quyển sách bìa vàng

Sách bao nhiêu chữ, thương nàng bấy nhiêu

Cũng vậy, kẻ phụ tình không chỉ là nam giới như thường “bị nghĩ”, hoặc phụ nữ không hề phụ tình. Có đó thôi:

Khi xưa một hẹn thì nên

Bây giờ chín hẹn em quên cả mười

Tất nhiên, phàm điều gì “có thể” thì cũng có cả “ngàn lẻ một” lý do rất đặc thù. Nhưng ai đã biết yêu thì cũng luôn mong muốn và thề hứa rằng:

Trăng rằm chỉ có đêm rằm

Tình ta tháng tháng năm năm vẫn tròn

Mùa cưới, khi nhìn lại lời hứa hôn nhân đối với những đôi lứa đã, đang và sẽ thề hứa với nhau trước Đấng Tối Cao, thiết tưởng không thể “bỏ sót” những mối tình chân thật mà không trọn vẹn – vì một lý do nào đó. Tất nhiên, có khi tại phía này hay bên nọ, có khi tại chính các bậc phụ huynh mà đôi lứa phải than vãn:

Việc này tại mẹ cùng cha

Tại chú cùng bác, ông bà, anh em

Mặc ai chia rẽ phận duyên

Đôi ta cứ giữ lời nguyền sắt son

Thế nhưng “lời nguyền sắt son” đó có thể chỉ còn trong trí nhớ chứ không thể hiện thực vì quan niệm khắt khe, môn đăng hộ đối,… Ai dám nhận lỗi?

Nếu thực sự, yêu nhau và cần nhau thì không gì có thể là vật cản, với điều kiện cả hai cùng “khéo léo” thuyết phục và can đảm bảo vệ tình yêu chân chính của mình, để khả dĩ có một ngày trao nhau lời hứa chung thủy: Yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời. Đó là phép cộng: 1+1=1 (Mt 19:5-6). Tình yêu đó phải được bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:6 & 8).

Để minh họa phần nào, xin kể hầu quý vị một chuyện cảm động và có thật mà anh bạn luật sư đã chứng kiến:

Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc với nhau. Rồi đột nhiên người chồng bị tai nạn giao thông và bị tàn phế, phải ngồi xe lăn. Sau nhiều ngày suy nghĩ, vì quá thương vợ, người chồng cố tỏ ra lạnh nhạt, rồi cương quyết đòi ly hôn. Tòa án hòa giải nhiều lần mà bất thành nên đành đưa ra xét xử. Người chồng một mực nói: “Tôi không còn yêu cô ấy nữa, sống với nhau chỉ là địa ngục thôi”. Người vợ òa khóc và chạy đến quỳ dưới chân người chồng: “Xin anh đừng ly hôn, dù anh không còn yêu em thì anh cũng vì yêu con. Nhưng em biết anh còn yêu em mà, phải không anh? Em có thể làm đôi chân cho anh mà”.

Nghe vậy, người chồng không thể cầm lòng được, đôi mắt lạnh lùng của người chồng có hai dòng nước mắt chảy xuống, và anh phải bật khóc. Viên luật sư thấy vậy cũng vội quay đi lau nước mắt. Tòa án không hòa giải được nhưng chính họ tự hòa giải. Có thể họ không học cao, hiểu không rộng, cũng chẳng giàu sang, nhưng họ vẫn thực sự có văn hóa và vĩ đại, thật đáng khâm phục!

Thật vậy, sự vĩ đại của con người chính là bản lĩnh và bản sắc cá nhân của mình, đó là cách sống!

TRẦM THIÊN THU

Previous Post Next Post