HÃY CẦU NGUYỆN
Trong việc tông đồ, cầu nguyện được xếp chỗ ưu tiên trên tất cả mọi việc khác, như xác tín của ĐHY Nguyễn văn Thuận: “Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động.” (ĐHV 119)
Giovanni Carnevali (1804-1876) là một hoạ sĩ tài danh nước Ý mà những ngày tuổi trẻ trôi qua trong phóng túng, buông thả, và thậm chí còn đánh mất cả niềm tin.
Khi đã quá lục tuần, sống ởBergamo, một hôm ông lên đường về thăm lại quê cũ ởMontegrino, Bắc Ý. Hôm đó trời đẹp nên ông quyết định thả bộ về quê, … đến lúc trời tối đen ông mới về đến làng quê năm xưa. Mọi ngõ ngách trong làng đều gợi lại trong lòng ông nhiều kỷ niệm thân yêu thời niên thiếu.
Cuối cùng ông đến trước cửa nhà mình. Ông đứng trong bóng tối bên ngoài nhìn vào mái nhà xưa, và thấy cảnh gia đình đang quì gối lần hạt qua cánh cửa sổ mở. Ông bất chợt bật khóc! Sau bao nhiêu năm bôn ba giữa giòng đời xoay vần, ông thấy mình gặp lại được bầu khí bình an và linh thánh sống động thời thơ ấu.
Đức tin thời niên thiếu sống lại trong ông, và ông quỳ gối bên ngoài mà hiệp ý lần hạt với gia đình bên trong. Khi lần hạt xong, trào dâng xúc động, ông lặng lẽ quay vềBergamo. Từ buổi tối hồng ân đó, ông bắt đầu một cuộc sống mới tràn đầy niềm vui trong một niềm tin sống động, với chuỗi kinh Mân côi là chiếc chìa khóa hạnh phúc lúc nào cũng nằm trong túi áo cho đến ngày ly trần.
Được dựng nên theo hình ảnh Chúa, tự thâm tâm người ta luôn có một sự ràng buộc thiêng liêng với Thiên Chúa như là chuẩn mực và là nguồn mạch hạnh phúc cho đời: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.” (Tv 1,1-2)
Hạnh phúc thật là đó, nhưng bản tính con người sau nguyên tội phát sinh những tài năng hạ đẳng hướng về sự thiện hảo vật chất, và dừng lại ở đó. Nền văn minh sự chết bắt đầu từ đó khi người ta tìm kiếm và dừng lại ở những khoái lạc sẽ kết thúc cùng với cái chết của thể xác, như thánh Têrêsa Avila đã nói: “Không cầu nguyện thì không cần phải ma quỷ cám dỗ. Tự mình ta, ta sẽ gieo mình xuống hỏa ngục.”
Trên đường về Đất Hứa xuất hiện cuộc xung đột giữa luật sự chết và luật sự sống mà người khôn ngoan là người “qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7,13-14)
Đó là cuộc xung đột về niềm tin: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?”, mà chiến trận giữa Israel và dân Amalec là câu trả lời: “Khi ông Môisen giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thi người Amalec thắng thế.” (Xh 17,7.11)
Trong cuộc xung đột quan trọng và cam go cho hạnh phúc đời đời, với lời cầu nguyện, con người vốn yếu hèn có được Chúa cả trời đất là chỗ nương tựa vững vàng cho mình: “Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Đấng tạo thành trời đất.” (Tv 121,2)
Vâng, lời cầu nguyện nối liền bản tính yếu hèn của con người với quyền năng và ân sủng Thiên Chúa, nhờ đó họ bay bổng trên sự yếu hèn để làm việc của Thiên Chúa, còn “người không cầu nguyện sẽ như loài gà, vừa cất cánh bay là đã rơi xuống đất.” (thánh Vianney)
Với lời cầu nguyện, người ta có được chính Chúa làm sức mạnh: “Các con hãy nghe vị thẩm phán bất lương nói đó? Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày mà khoan giãn với họ mãi sao?” (Lc 18,6-7)
Bởi đó mà trong việc tông đồ, cầu nguyện được xếp chỗ ưu tiên trên tất cả mọi việc khác, như xác tín của ĐHY Nguyễn văn Thuận: “Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động.” (ĐHV 119)
Có một nông dân xứ Ars, mỗi ngày trước khi đi làm, đều ghé vào cuối nhà thờ đứng cầu nguyện giây lát rồi mới ra đồng. Khi trở về ông cũng ghé vào cầu nguyện như vậy.
Ai cũng để ý và cảm phục. Một hôm có người hỏi: “Mỗi ngày ông ghé vào nhà thờ mấy bận để làm gì vậy?” Ông trả lời một cách rất đơn sơ: “Tôi bàn chuyện với Chúa, và Chúa bàn chuyện với tôi.”
Cách sống và câu trả lời đơn sơ toát lên một niềm tin sâu xa: Cả cuộc sống ông trở thành việc Chúa làm, quyền năng và thượng trí của Chúa đang làm việc của ông… Và những gì không thể được đối với loài người thì đều có thể được đối với Thiên Chúa.
Mọi vấn đề phức tạp trong cuộc sống khi đó được giản lược lại trong câu hỏi về đức tin của tôi: “Nhưng khi Con Người đến liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
Lm. HK