Lời Chúa Mỗi Ngày Thứ Bảy Tuần 28 TN1




Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 28 TN1
Bài đọc: Rom 4:13, 16-18; Lk 12:8-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin vào những gì Thiên Chúa hứa và làm chứng cho Ngài.

Nhiều người thường áp dụng cách thức con người cho Thiên Chúa; chẳng hạn, chỉ yêu những gì tốt lành. Họ nghĩ Thiên Chúa yêu con người vì những việc tốt lành con người làm cho Thiên Chúa, như giữ luật, đi nhà thờ, giảng đạo, sống tốt lành... Sự thật là Thiên Chúa yêu thương con người khi họ vẫn còn là tội nhân, yếu đuối, và đầy những khuyết điểm. Con người không có công trạng gì để xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương; chỉ có một điều con người có thể làm là nếu tin vào tình thương và uy quyền của Thiên Chúa, họ sẽ được trở nên công chính và hưởng mọi ơn thánh Ngài hứa ban.

Các Bài Đọc hôm nay muốn làm sang tỏ chân lý này. Trong Bài Đọc I, Phaolô tranh luận với người Do-thái và nêu rõ lý do tổ Abraham được thừa hưởng lời hứa "là cha nhiều dân tộc:" không phải vì việc giữ Luật; nhưng vì niềm tin tưởng tuyệt đối nơi uy quyền và tình thương của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn các môn đệ tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài và nơi Thánh Thần của Ngài, nhất là trong những lúc phải đương đầu với sự sai trá và làm chứng cho sự thật.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Vì tin mà Abraham được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa.

1.1/ Lề Luật không có sức mạnh làm con người nên công chính.

(1) Không phải vì Lề Luật mà Abraham được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa: Lề Luật mà Thiên Chúa ban qua Moses xảy ra 430 năm sau thời của Abraham; do đó, một người không thể nói, nhờ việc giữ Lề Luật, Abraham được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; mà là do bởi niềm tin của ông vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô tuyên bố: ''Thật vậy, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Abraham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.''

Nếu đã đúng cho Abraham, cũng đúng cho tất cả chúng ta: ''Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Abraham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy.''

(2) Thiên Chúa đổi tên cho Abraham: Khi còn ở bên xứ Urs, tên của ông là Abram, có nghĩa "người cha được tôn vinh." Thiên Chúa đổi tên của ông thành Abraham, có nghĩa "người cha của nhiều dân tộc" (Gen 17:5). Thánh Phaolô lập lại sự kiện này như sau: ''như có lời chép:
Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.''

1.2/ Tin tưởng lời Chúa hứa trong mọi hoàn cảnh: Thiên Chúa hứa cho Abraham một giòng dõi đông như sao trên trời và cát ngoài bãi biển; nhưng thực tế trong cuộc đời của ông chỉ có Isaac và Ismael. Làm sao Abraham trở thành cha nhiều dân tộc trong khi chỉ có hai người con? Dưới mắt nhân loại, đây là điều không thể; nhưng dưới mắt đức tin của Abraham, ông tin Thiên Chúa có quyền năng làm được những gì Thiên Chúa hứa: ''Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế.''

Các nhà chú giải Kinh Thánh nghĩ Thiên Chúa đã cho ông thấy trước ngày sinh của Đức Kitô trong giòng dõi của ông; vì nhờ Đức Kitô mà ông trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc, vì họ tin vào Ngài: "Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ" (Jn 8:56).

2/ Phúc Âm: Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.

2.1/ Cuộc sống chứng nhân cần thiết để khơi dậy niềm tin nơi người khác: Hai điều giúp con người tin vào Đức Kitô là Tin Mừng và đời sống chứng nhân của người rao giảng; điều thứ hai nhiều khi còn quan trọng hơn cả điều thứ nhất, vì "lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn." Chính Gandhi đã từng nói: "Nếu mọi tín hữu sống những gì Đức Kitô dạy, thế giới chắc đã tin tưởng nơi Ngài hết." Để có thể sống những gì Đức Kitô dạy, người tín hữu phải học hỏi Phúc Âm, nơi các thánh-sử ghi chép lại tất cả những gì Đức Kitô muốn lưu lại cho hậu thế; nếu không chịu học hỏi để biết, làm sao biết cách thực hành!

Cuộc sống của con người trên đời này là để làm chứng nhân cho Thiên Chúa. Mục đích sự hiện hữu của Hội Thánh và của mỗi tín hữu là làm chứng nhân cho Thiên Chúa bằng lời rao giảng và các việc làm. Nếu không chu toàn bổn phận này, làm sao các tín hữu có thể đạt được phần thưởng mà Đức Kitô đã sắm sẵn cho họ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố hậu quả của những người chu toàn hay không chu toàn sứ vụ làm chứng nhân: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.”

2.2/ Tội phạm đến Thánh Thần là tội nào? Một cách tổng quát là tội không tin vào Đức Kitô và những gì Ngài dạy dỗ. Đối với người Do-Thái và ngay cả đối với chúng ta, sứ vụ của Chúa Thánh Thần là làm cho con người nhận thức được Sự Thật. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội từ chối không nghe và theo sự hướng dẫn của Ngài. Trong Tin Mừng của Matthêu và Marcô, cả hai Thánh Ký đều đề cập đến tội phạm đến Chúa Thánh Thần khi người Do-Thái bảo Chúa Giêsu: “Ông ấy nhờ quyền lực của tướng quỉ mà trừ quỉ” (Mt 12:31-32, Mk 3:28-29).

Tại sao không được tha? Khi con người đã mất sự nhạy cảm về sự thật đến nỗi cho điều thật là sai và cho điều sai là điều thật, hay như một số người Do-Thái, cho Chúa Giêsu là ma quỉ, làm sao họ có thể tin vào Đức Kitô để được hưởng ơn Cứu Độ. Tương tự, một khi con người đã mất hết ý thức về tội lỗi: chẳng còn cho cái gì là tội nữa, thì họ đâu cần để được tha thứ! Vì thế, khi con người từ chối không nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần để nhận ra sự thật, con người sẽ không còn hy vọng để lãnh nhận ơn Cứu Độ.

2.3/ Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chứng nhân: Chúa Giêsu nói rõ cho các môn đệ về vai trò của Chúa Thánh Thần: "Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói." Thánh Thần được gọi là Trạng Sư trong Tin Mừng Gioan; và nhiệm vụ của Trạng Sư là nói thay cho người bị cáo. Chính sự khôn ngoan và sức mạnh của Thánh Thần đã làm cho những con người yếu đuối và chất phác trở nên những vị tử đạo anh hùng, và lưu truyền cho hậu thế những lời khôn ngoan, bất khuất, và kiên cường.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Tin vào những gì Thiên Chúa hứa là điều kiện để được nên công chính và hưởng những hồng ân của Ngài; và ngược lại.

- Sứ vụ quan trọng của Chúa Thánh Thần trong Kế Họach Cứu Độ là làm cho con người thấu hiểu những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô. Vì thế, chúng ta cần cầu xin với Ngài mỗi khi nghe Lời Chúa để Ngài soi lòng mở trí cho chúng ta.

- Chúng ta cần lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để luôn biết tìm hiểu và nhạy cảm với sự thật. Một khi đã khinh thường và mất đi nhạy cảm với sự thật, con người không còn hy vọng được cứu rỗi.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


Previous Post Next Post