CAO QUÝ THAY NHỮNG BƯỚC CHÂN
“Đây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu” (Tv 19,4-5)
Xưa có một ông vua ham muốn học hỏi sự khôn ngoan. Bộ sách ông thích nhất để học sự khôn ngoan là bộ sách lịch sử loài người. Thế nhưng đời chẳng chiều người, bộ sách thì dầy mà cả đời của ông lại chẳng có lúc nào thảnh thơi. Ông luôn phải sống trên lưng ngựa, nằm sương gối tuyết trên bãi chiến trường, chỉ thấy gươm giáo và máu lửa. Chẳng mấy chốc tóc đã bạc, sức đã yếu mà vẫn chưa đọc được bao nhiêu.
Biết mình chẳng còn đủ thời gian để đọc hết bộ sách, nhà vua ra lệnh cho sử quan đọc và tóm lại cho ông. Sau một thời gian dài làm việc với ban tu thư, một bộ sách mười cuốn đã được trình lên cho nhà vua. Trông thấy bộ sách, nhìn lại tuổi mình, nhà vua bảo phải rút lại ngắn hơn. Lại một thời gian nữa trôi qua, sử quan dâng kính nhà vua chỉ một cuốn sách khi ông đang nằm chờ chết trên giường bệnh.
Biết mình không thể đọc được dù chỉ một trang, nhà vua nói với viên sử quan tóm tắt lại lịch sử loài người trong chỉ một câu ngắn gọn. Suy nghĩ một lát, sử quan tâu lên nhà vua: “Tâu bệ hạ, lịch sử loài người, theo thần đọc thấy, từ khai thiên lập địa cho đến nay, là sinh ra, đau khổ, rồi chết.”
Mỗi lời của viên sử quan nói ra như chạm đến những điều nhà vua nghiệm thấy từ lịch sử đời mình. Lịch sử loài người đúng là thế sao?! Hài lòng với câu trả lời của viên sử quan, hài lòng mà đau khổ, nhà vua nở một nụ cười trên đôi môi khô héo và tắt thở.
Phải chăng đau khổ và sự chết là ý nghĩa của lịch sử nhân loại? Chẳng ai đồng ý với câu trả lời đó, nhưng đọc lịch sử nhân loại, hoặc gần hơn, trên báo chí, truyền hình, truyền thanh, internet, và ngay cả trong những bộ phim giải trí, đâu đâu người ta cũng thấy sự đau khổ xuất hiện dưới nhiều dáng vẻ bên ngoài khác nhau. Tất cả như đồng thanh nêu lên một vấn nạn: “Chúa dựng nên con người để làm gì?”
Chúa không không dựng nên chúng ta để chịu đau khổ, mà để hưởng hạnh phúc. Vì con người là thụ tạo duy nhất mà Chúa đã muốn dựng nên vì chính nó nên chính Chúa là hạnh phúc của chúng ta, và ngược lại, hạnh phúc của chúng ta là vinh quang của Chúa. Chẳng có lời nào nói cho hết được tình Chúa thương ta: “Toàn thể chư dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thật là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời.” (Tv 117)
Chúa đã dọn sẵn con đường dẫn đến hạnh phúc Nước Trời cho nhân loại với nhiều ân sủng của Chúa, nhưng lại cần đến sự cộng tác của mỗi người, dẫn đi từ hiểu biết đến yêu mến, rồi tin theo và đạt tới chính Chúa là hạnh phúc thật của mình. Tiến trình truyền giáo là như vậy: “họ khẩn xin làm sao được với Đấng mà họ không tin? Hoặc làm sao họ tin được Đấng mà họ không nghe nói tới? Nhưng nghe thế nào được, nếu không có người rao giảng?” (Rm 10,14)
Vâng, “cao quý thay bước chân những người rao giảng sự bình an, rao giảng tin lành!” (Rm 10,15) Đó là những người mang ánh sáng Tin Mừng, mang Chúa Giêsu đến cho thế giới đang đắm chìm trong màn đêm dày đặc của tham lam, hận thù, sa đoạ, … cho những người chạy đuổi theo cái bóng của mình để rồi đánh mất chính mình. Đó là những người mang sứ điệp yêu thương, yêu đến quên mình, để xây dựng hoà bình cho thế giới hôm nay: “Thầy ban cho các con một điều răn mới, là hãy yêu thương nhau như chính Thầy yêu thương các con.” (Ga 13,34)
Ngày 02.4.2005, lúc 21h37, ĐGH Gioan Phaolô II đã qua đời. Hầu hết các kênh truyền hình trên thế giới đều cắt ngang chương trình thường lệ để phát đi bản tin về sự ra đi của ngài.
Sự ra đi của ĐGH Gioan Phaolô II gây xúc động cho các tín hữu và cho cả nhiều người không Công giáo. Số người đến Vatican viếng thi hài của ngài lên đến 4 triệu người. Họ phải xếp hàng từ 12 đến 14 giờ chỉ để đi qua trước thi hài của ngài trong giây lát. Có người ngạc nhiên tại sao sự ra đi của một ông già 85 tuổi đời, đau bệnh và ốm yếu, lại làm cho hàng tỷ người từ các dân tộc, các tôn giáo, thấy xúc động và tiếc nuối?
Có người đưa ra câu trả lời dựa trên một sự cố làm nhiều người chú ý trong thánh lễ an táng cho ngài. Đó là một luồng gió mạnh tự nhiên nổi lên trong thánh lễ. Luồng gió lật mở từng trang, từ đầu đến hết cuốn Thánh Kinh đặt trên quan tài của ngài.
Đó là chuyện tình cờ hay là việc Chúa làm? Dù sao đi nữa thì cuốn Thánh Kinh lật từng trang một từ đầu cho đến hết cũng là một lời minh giải thật đẹp cho cuộc đời ngài, một cuộc đời thực thi trọn vẹn sứ điệp tình yêu mà Chúa muốn loan báo cho hết mọi người trên khắp thế giới. “Đây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu” (Tv 19,4-5)
Lm. HK