Thầy dạy nhạc của tôi

Có lẽ không ít người không biết đến Nhạc sĩ Hùng Lân (1922-1986) qua các ca khúc, nhất là những người từ trung niên tới cao niên. NS Hùng Lân không là người “khai tâm” âm nhạc cho tôi, nhưng ông là người “nâng cấp” âm nhạc cho tôi.

Tôi may mắn được là học trò của ông một thời gian về xướng âm, hòa âm, điều khiển, hợp xướng và piano. Thêm một chút may mắn khác là tôi còn được ông “ngó chừng” và tâm sự vài điều thú vị.

Ông kể với tôi rằng ông được đi tu nghiệp ở ngoại quốc một thời gian. Khi hết thời gian tu nghiệp, chỉ một tuần trước ngày về nước, một bên tai ông có triệu chứng “miễn âm” – tức là triệu chứng điếc. Ông được điều trị ở một bệnh viện của một tu viện. Ông nói rằng họ “lật” vành tai ra rồi vá màng nhĩ kiểu như “vá xe đạp” vậy. Ông còn vui mừng nói rằng bên tai được “vá” lại nghe còn tốt hơn bên tai kia. Lạ thật! Còn về bút hiệu Hùng Lân, ông nói đó là ông ghép tên của hai người anh của ông đã chết trong chiến tranh, cũng là để ông tưởng nhớ song huynh của ông.

NS Hùng Lân sinh tại Hà Nội, tên thật là Phêrô Hoàng Văn Hương, với các bút hiệu khác là Nam Hoa (hoa miền Nam) và Lâm Thanh (rừng xanh). Ông từng tham gia Ban Sáng Lập và Ban Giám Đốc trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Saigon, đồng thời từng làm chủ sự Phòng Phát thanh Học đường tại Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục Saigon trước năm 1975.
Với kiến thức thần học sở đắc tại Đại chủng viện Xuân Bích (Hà Nội), NS Hùng Lân lãnh trách nhiệm chính trong phong trào nhạc phụng vụ và giáo ca bằng Việt ngữ, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập vào tháng 7-1945 tại Sở Kiện (tỉnh Hà Nam cũ), ông là nhạc đoàn trưởng tiên khởi. Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh đã xuất bản nhiều tuyển tập của nhiều tác giả với tựa đề chung là Cung Thánh. Ông cũng đã xuất bản 3 tập nhạc với tựa đề Ca Vang Lời Chúa 1, 2 và 3. Được biết ông còn 80 bài ứng tác Thánh Vịnh chưa xuất bản.
NS Hùng Lân có một số ca kúc được nhiều người biết đến như Việt Nam Minh Châu trời Đông (Giải Nhất kỳ thi âm nhạc toàn quốc, Hà Nội – 1944, đồng thời là đảng ca của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng), Duyên Tình Miền Nam, Non Nước, Tiếng Gọi Lên Đường, Rạng Đông (Giải thưởng Sáng tác Hội Khuyến nhạc Hà Nội – 1943), Hận Trương Chi, Sầu Lữ Thứ, Khỏe Vì Nước, Hè Về, Thằng Tí Sún, Em Yêu Ai, Rước Đèn Trung Thu, Ông Ninh Ông Nang, Chúc Tết,... 
Các ca khúc của ông không cầu kỳ, giai điệu giản dị, bình dân, dễ nhớ, dễ phổ biến, nhưng ca từ của ông rất sâu sắc, đầy thi vị và luôn có vần điệu như thơ. Ông còn viết lời Việt cho bài thánh ca nổi tiếng mà mùa Giáng sinh nào cũng được sử dụng, đó là bài Đêm Thánh Vô Cùng [nguyên bản Đức ngữ là “Stille Nacht, Heilige Nacht” của NS FX. Gruber (1787-1863), Anh ngữ là “Silent Night, Holy Night”].
NS Hùng Lân không chỉ sáng tác mà còn là Nhạc sư. Ông có nhiều lớp học trò. Ông đã biên soạn các tác phẩm như Sách Giáo Khoa Âm Nhạc (Giải thưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục – 1952), Nhạc Lý Toàn Thư (1960), Hỏi và Đáp Nhạc Lý (1964), Sư Phạm Âm Nhạc Thực Hành (tập 1 – 1974), Vui Ca Lên (tập 1 và 2 – 1973), Vui Ca Học Đường (Chương trình Phát Thanh Học Đường – 1975), Xướng Nhạc (Tập 1 và 2), Thuật Sáng Tác Ca Khúc (1977), và 100 bài soạn cho Orgue (phong cầm) để độc tấu hoặc đệm cho các ca khúc của ông.
Công trình khảo cứu âm nhạc của ông gồm: Nhạc Ngữ Việt Nam (1971), Tìm Hiểu Dân Ca Việt Nam (1971 – Giải nhất Biên khảo Văn học Nghệ thuật 1972), Nhạc Hòa Âm và Nhạc Đơn Điệu (Sơ lược về Nhạc ngữ Tây Phương và Việt Nam – 1964), và Nhạc Lý Tân Biên (Di cảo 1975-1986).
Ngoài ra, ông còn có bài hợp xướng “Trường Ca Phục Sinh” (gồm 7 đoạn) và “Bài Ca Vạn Vật” (lời của Thánh Phanxicô Assisi), với nhiều bài thánh ca quen thuộc như Dâng Hồn Xác, Đồng Cỏ Tươi, Cao Vời Khôn Ví, Lên Núi Sion, Tôi Không Còn Cô Đơn, Một Sợi Tơ Vàng, Kính Chào Nữ Vương, Có Bao Giờ, Thắp Ngọn Nến Hồng, Con Nay Trở Về,...
Ông được Chúa gọi về ngày 17-9-1986 tại Saigon khi tuổi đời chưa phải là cao niên: 64 tuổi.
Tháng Mười Một lại về, tháng cầu nguyện đặc biệt cho các linh hồn. Xin thắp nén nhang lòng tưởng niệm Thầy. Xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót cho Thầy được nghỉ ngơi nơi Đồng Cỏ Xanh Trường Sinh trong Nước Trời.
TRẦM THIÊN THU

Học trò cũ của NS Hùng Lân
Previous Post Next Post