Thiên Chúa lớn hơn các "Gôliat"

Ngài ban sức mạnh để chúng ta chiến thắng những nỗi sợ hãi.

Ai có thể quên những sự kiện ngày 11.09.2001? Chúng đã đóng dấu trong ký ức chúng ta, và như các biến cố lớn khác, chúng đã góp phần định hình cách chúng ta nhìn thế giới. Ngày kỷ niệm những cuộc tấn công này – và nhiều hoạt động khác đã diễn ra trên toàn thế giới kể từ sau đó - là cơ hội để suy tư về phản ứng và sự đáp trả của chúng ta đối với bất kỳ loại đe dọa hay nguy hiểm nào rõ ràng như thế.
Đó có thể là một mối đe dọa trên toàn cầu như khủng bố quốc tế, chiến tranh, hoặc khả năng của một đại dịch. Nó cũng có thể là một cái gì đó rất cá nhân như một sự cám dỗ nội tâm mà chúng ta dường như không thể vượt qua hoặc một cuộc khủng hoảng gia đình như vấn đề con cái hay tài chính, hoặc là một cuộc hôn nhân đổ vỡ chẳng hạn.
Khi đối diện với các thách thức như thế, chúng ta thường có ba lựa chọn. Trước hết, có thể chúng ta không hành động hoặc là do dự vì sự sợ hãi làm cho tê liệt. Thứ hai, có thể chúng ta cố gắng lãng tránh các vấn đề và tiếp tục như không có gì thay đổi. Hoặc thứ ba, chúng ta có thể phải đối mặt với vấn đề, cương quyết làm tất cả những gì có thể để vượt qua. Dĩ nhiên, chúng ta biết đó là con đường cao thượng hơn để thực hiện, nhưng nó vẫn có vẻ rất đáng sợ. Vì vậy, chúng ta hãy xem một câu chuyện từ Cựu Ước cho thấy làm thế nào một người nhỏ bé có thể thực sự thay đổi tiến trình của các sự kiện lớn hơn mình rất nhiều.
Thách thức chống lại Thiên Chúa: Vùng đất người Canaan khoảng năm 1000 trước Công nguyên, người Do Thái dưới thời vua Saun đã bị kẻ thù của họ là người Philitinh quấy rối liên tục, nhuệ khí của họ suy giảm. Hai bên dàn trận trong một trận chiến, bên này đợi bên kia xuất quân trước. Cuối cùng, người Philitinh cử nhà vô địch của họ, một chiến binh mạnh mẽ tên là Gôliat. Ngày qua ngày, hắn thách thức Ítraen gửi nhà vô địch đến chiến đấu với hắn. Ai thắng trong trận đánh đối đầu này sẽ giành chiến thắng cho toàn bộ quân đội của mình, và quân đội của kẻ thua cuộc sẽ trở thành nô lệ.

Chỉ nhìn thấy Gôliat thôi cũng đủ làm cho người Do Thái khiếp sợ. Quá nhiều kết quả có thể xảy ra – tự do, lời hứa của Thiên Chúa, hy vọng tương lai – và Gôliat thì quá mạnh mẽ. Không lạ gì mỗi khi Gôliat đưa ra lời thách thức thì dân Ítraen co rúm trong sợ hãi.
Thế rồi Đavit xuất hiện. Cậu thấy nỗi sợ hãi do những kẻ không tin này tạo ra cho toàn thể quân đội Ítraen. Đavit đã trở nên phẫn nộ: “Tên Phi-li-tinh không cắt bì kia là ai mà dám thách thức hàng ngũ của Thiên Chúa Hằng Sống ?” (1 Sm 17,26). Cậu không thể hiểu được rằng Gôliat rất kiêu ngạo còn tất cả dân Ítraen thì sợ hãi.
Đavit nhìn tình huống này vừa với một cái nhìn nhân loại thông thường: sức mạnh quân đội, đề nghị của Gôliat, và ngay cả sự sợ hãi dễ hiểu của dân Ítraen. Thế nhưng, cái nhìn của ông cũng là cái nhìn tâm linh. Với cái nhìn này, Gôliat đang thách thức Thiên Chúa và một thách thức như vậy cần phải được trả lời.
Đavit đã nói với Gôliat: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Ít-ra-en.” (1 Sm 17:45). Với lời đó, Đavit nhặt một hòn đá, đặt nó vào cái ná cao su của mình, và quật ngã tên chiến binh hùng mạnh. Ngay lập tức, Ítraen đã được giải thoát và Đavit trở thành anh hùng của dân tộc.
Thách thức của Đức Tin: Thiên Chúa muốn chúng ta như Đavit. Ngài muốn chúng ta biết rằng tất cả chúng ta có thể nhìn vào sự đe dọa, những tình huống kinh hãi với cặp mắt đức tin. Thách thức chúng ta đang phải đối mặt sẽ chẳng hề gì, người muốn chúng ta nhìn xa hơn cái nhìn của con người để có thể đón nhận thách thức với sự tin tưởng và tín thác vào Người.
Các chiến binh Ítraen để sự sợ hãi thuyết phục rằng họ chỉ là những chiến binh thông thường, những người bị áp đảo bởi một kẻ thù mạnh hơn. Một số có thể đã cố gắng để lờ đi Gôliat và tiếp tục thể hiện mình là hùng mạnh, là chiến binh dũng cảm. Nhưng Đavit đã cho thấy sự khác biệt. Bằng lời nói và hành động của mình, cậu nhắc nhở về phẩm giá của họ và gợi hứng để họ hành động. Khi nhìn thấy sự thành công phi thường của Đavit, "Quân đội của Ítraen và Giu-đa đã xông lên, reo hò và đuổi theo người Philitinh" (1 Sm 17,52).
Thứ đến, Thiên Chúa muốn chúng ta hành động với cái nhìn tâm linh giống như Đavit. Chúng ta đối diện với chính nỗi sợ hãi, lo âu, và bận tâm của chúng ta. Chúng ta có những suy nghĩ trong tâm trí, những hình ảnh trong trí tưởng tượng đe dọa làm tê liệt chúng ta. Như quân đội Ítraen co rúm lại khi đối mặt với Goliath, chúng ta có thể bị cám dỗ co lại trước những hình ảnh bạo lực của khủng bố hoặc trước nhu cầu của một thành viên trong gia đình. Chúng ta có thể bị cám dỗ rút lui để tự lo lắng, để lấp đầy cuộc sống với sự quen thuộc và thoải mái hơn là đối diện với những thách thức được đặt ra bởi một thế giới thay đổi. Hoặc có thể chúng ta nhìn những thách thức này như một vấn đề quá lớn đối với chúng ta.
Tuy vậy, đó không phải là câu trả lời của chúng ta! Chúng ta không phải là người bình thường. Chúng ta là chi thể của thân thể Chúa Kitô, là công dân nước trời và là đền thờ Chúa Thánh Thần. Chúng ta được tiếp cận với sự khôn ngoan của Thiên Chúa, với lòng can đảm và niềm tin mà chỉ Chúa Thánh Thần mới có thể ban cho chúng ta. Nếu chúng ta đối diện với “Gôliat”, Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh cho chúng ta. Dù “Gôliat” đó mạnh đến mức nào, chúng ta vẫn có thể áp dụng lời nói đầy niềm tin của Đavit: "Ngươi đến với tôi với máy bay bị rơi và các tòa nhà nhàu nát, nhưng tôi trả lời trong danh của Chúa các đạo binh. Ngươi cố gắng thuyết phục rằng tôi bất lực và không quan trọng, nhưng tôi sẽ đứng lên và tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô là sức mạnh của tôi. Tôi sẽ không mất hy vọng. Tôi sẽ vượt lên nỗi sợ hãi và đe dọa để đứng vững như một người con được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn".
Một Sứ vụ để thi hành: Đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy nhỏ nhoi, hoặc thậm chí ngớ ngẩn, hãy thực hiện như một lời tuyên xưng vậy. Bạn đừng lo lắng nếu không có gì thay đổi ngay lập tức. Theo thời gian, bạn sẽ thấy Chúa Thánh Thần tác động. Bạn vẫn sẽ thấy bóng tối trong thế giới, nhưng bạn cũng sẽ thấy những dấu hiệu của ánh sáng. Bạn có thể thừa nhận sự ác nằm đằng sau mỗi hành vi bạo lực và khủng bố, nhưng bạn cũng sẽ hoàn toàn tin tưởng rằng trong sự khôn ngoan và theo thời gian, Thiên Chúa sẽ mang lại điều tốt từ mọi sự dữ. Sợ hãi sẽ nhường chỗ cho hy vọng khi bạn tin rằng tình yêu Thiên Chúa sẽ chiến thắng và tất cả bạo lực, độc ác, hận thù và đau khổ sẽ bi xóa đi.

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa có sứ vụ cho chúng ta thi hành. Giống như Người đã linh hứng cho Đavit, Thiên Chúa cũng muốn linh hứng cho tất cả chúng ta để chiến đấu chống lại những lo lắng của cuộc sống - những vấn đề mang tính toàn cầu cũng như những thách thức hàng ngày mà tất cả chúng ta phải đối mặt. Ngài muốn chúng ta biết rằng mỗi người có thể tạo sự khác biệt khi chúng ta đối điện với các "Gôliat" đang cố gắng làm suy yếu đức tin của chúng ta.
Previous Post Next Post