Tóm lược Sứ Điệp Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo 2013 của ĐTC Phanxicô

Ngày Khánh nhật Truyền giáo năm nay diễn ra trong bầu khi kết thúc Năm Đức tin, đây là cơ hội tốt để chúng ta củng cố tình bằng hữu với Thiên Chúa.


1. Đức tin là một hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã ban để chúng ta được thông dự vào sự sống của Ngài cũng như làm cho đời sống ta ý nghĩa hơn. Là hồng ân, đức tin cần được đáp trả với lòng biết ơn, can đảm và phó thác. Hồng ân này được ban cho tất cả mọi người và chia sẻ hồng ân này là bổn phận của mọi Ki-tô hữu. Do vậy, không thể tách việc rao giảng Tin Mừng ra khỏi việc làm môn đệ Đức Kitô. Mức độ đức tin của chúng ta, dù là cá nhân hay cộng đoàn, được đo lường qua khả năng thông truyền đức tin cho người khác.

2. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến bổn phận truyền giáo của mỗi Ki-tô hữu (Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân) và mỗi cộng đoàn (giáo phận, giáo xứ, dòng tu, các đoàn thể). Đặc tính của truyền giáo không dừng lại ở ranh giới địa lý, ở các dân tộc hay các nền văn hóa nhưng là ở tâm hồn của mỗi người.
3. Lòng nhiệt thành và can đảm rao giảng Tin Mừng đôi khi gặp những trở ngại đến từ bên ngoài hay thậm chí có những trở ngại xuất phát từ ngay cả trong cộng đồng Hội thánh. Có người còn cho rằng việc rao truyền Chân Lý Tin Mừng liên hệ với việc vi phạm tự do. Đức Phaolô VI đã trả lời cho vấn đề này như sau: khi đề nghị Chân Lý Tin Mừng và ơn cứu độ cho lương dân một cách rõ ràng, đầy đủ và hoàn toàn tôn trọng quyền tự do chọn lựa của họ thì đó chính là một cống hiến cho tự do (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, s. 80). Ngài cũng đưa ra một nguyên tắc cơ bản cho mỗi nhà truyền giáo là: Truyền giáo không bao giờ là một hành vi cô lập, cá nhân hay riêng tư, nhưng luôn luôn là hành vi mang tính Hội Thánh.
4. Ngoài ra, chúng ta đang sống trong một bối cảnh phức tạp. Thế giới chúng ta đang sống mang tính di động cao khiến cho việc hiểu biết lẫn nhau và tạo tương quan gặp nhiều khó khăn. Sự pha trộn của nhiều niềm tin khác nhau trong những vùng trước kia theo truyền thống Ki-tô giáo cũng gây ra không ít khó khăn. Phần đông trên thế giới vẫn chưa nhận được sứ điệp của Tin Mừng. Nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống đang rơi vào cơn khủng hoảng, ngay cả những lãnh vực liên quan đến ý nghĩa và giá trị của con người. Trong bối cảnh này, việc can đảm lon báo Tin Mừng trong mọi lãnh vực còn cấp bách hơn nữa. Bản chất truyền giáo của Hội thánh không phải là việc cải đạo. Hội thánh không phải là một tổ chức cứu trợ, một doanh nghiệp hay một tổ chức Phi Chính Phủ nhưng là một cộng đoàn của những người được tác động bởi Chúa Thánh Thần, đã sống và đang sống sự kỳ diệu của cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô và muốn chia sẻ cảm nghiệm này cho mọi người.
5. Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà truyền giáo, những người dấn thân vào việc truyền giáo, những Giáo hội góp phần cho công cuộc truyền giáo. Ngài cũng kêu gọi mọi người (cá nhân hay cộng đoàn) đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Thánh Thần để quảng đại dấn thân vào việc truyền giáo cách trực tiếp hay gián tiếp. 
Ngài cũng cảm ơn và kêu gọi đặc biệt các linh mục thuộc Hội Thừa Sai Hồng Ân Đức Tin (Fidei Donum). Ngài mời gọi họ phục vụ với niềm vui và chi sẻ niềm vui đó với “Giáo hội mẹ”. Bằng cách đó, họ mang sự tươi mát của các Hội Thánh trẻ đến cho các Hội Thánh có truyền thống Kitô giáo cổ xưa để giúp các Hội Thánh này tái khám phá lòng nhiệt thành và niềm vui mà mình đã lãnh nhận.
Đức Thánh Cha tuyên dương và khích lệ những tín hữu đang gặp khó khăn trong việc công khai tuyên xưng đức tin của họ. Ngài mượn lời của Đức Giê-su để an ủi họ: “Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33).
Cuối cùng, Đức Thánh Cha chúc lành cho các nhà truyền giáo và tất cả những ai đồng hành và hỗ trợ quyết tâm cơ bản này của Hội Thánh để lời loan báo của Tin Mừng được vang dội khắp nơi trên trái đất. 

Dựa vào bản dịch của Phaolô Phạm Xuân Khôi đăng tại http://giaoly.org/vn/
Previous Post Next Post