Vào ngày 17/08/2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có cuộc gặp gỡ với các đại diện của Hội Đồng Giám Mục Á Châu tại Đền Haemi, Giáo Phận Daejeon, Hàn Quốc. Sau đây là bài diễn văn của Ngài:
Anh Em Giám Mục Thân Mến,
Tôi xin gửi đến anh em lời chào thân ái và nồng nhiệt trong Thiên Chúa khi chúng ta đang quy tụ nhau ở nơi mảnh đất thánh này nơi mà quá nhiều Kitô hữu đã tận hiến mạng sống họ trong sự trung thành với Đức Kitô. Chứng tá của các vị về lòng bác ái đã mang lại những ơn lành và ân sủng không chỉ cho Giáo Hội tại Hàn Quốc mà còn vượt xa hơn nữa; xin cho những lời cầu nguyện của các vị giúp chúng ta trở thành những mục tử trung tín với các linh hồn đã được uỷ thác cho sự chăm sóc của chúng ta. Tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Gracias vì những lời chào đón chân thành của Ngài và cho công việc của Hội Đồng Giám Mục Á Châu trong việc nuôi dưỡng sự liên đới và các sự mở rộng mục vụ hiệu quả trong các Giáo Hội địa phương của anh em.
Tại châu lục rộng lớn này vốn là cái nôi của sự đa dạng lớn lao về văn hoá, Giáo Hội được mời gọi để hấp thụ và sáng tạo trong chứng tá của Giáo Hội cho Tin Mừng thông qua việc đối thoại và mở rộng lòng ra cho tất cả. Thực ra, đối thoại là một phần thiết yếu của sứ vụ của Giáo Hội tại Á Châu (x. Ecclessia in Asia, 29).
Nhưng trong khi thực thi con đường của đối thoại với các cá nhân và các nền văn hoá, thì đâu là điểm xuất phát và điểm tham chiếu nền tảng của chúng ta là điểm sẽ dẫn chúng ta đến đích điểm cuối cùng của chúng ta? Chắc chắn đó là căn tính của chúng ta, căn tính Kitô Giáo của chúng ta. Chúng ta không thể tham dự vào một công cuộc đối thoại thực sự nếu chúng ta không ý thức được căn tính thật của mình. Cũng như không thể có một cuộc đối thoại đích thực nếu chúng ta không thể mở lòng trí chúng ta, trong sự đồng cảm và sự đón nhận chân thành, trước những người mà chúng ta nói chuyện với họ. Một cảm thức rõ ràng về căn tính riêng của chúng ta và một khả năng đồng cảm, do đó, là một điểm xuất phát cho mọi công cuộc đối thoại. Nếu chúng ta có thể nói chuyện cách thoải mái, cởi mở và sinh hoa trái với những người khác, thì chúng ta phải biết rõ chúng ta là ai, Thiên Chúa đã làm gì cho chúng ta, và đâu là điều Ngài đòi hỏi chúng ta. Và nếu việc giao tiếp của chúng ta không phải là một cuộc độc thoại, thì cần phải có một sự mở lòng trí ra để chấp nhận các cá nhân và các nền văn hoá.
Một cách thế thứ hai mà trong đó thế giới đang đe doạ sự vững vàng của căn tính Kitô Giáo của chúng ta là tình trạng hời hợt, một khuynh hướng vui thú với những kiểu mốt, những tiện ích và những trò tiêu khiển mới nhất, hơn là chú tâm đến những điều thực sự có ý nghĩa (x. Pl 1:10). Trong một nền văn hoá vốn đang tôn vinh sự chóng qua, và đưa ra quá nhiều con đường của sự né tránh và trốn thoát, điều này có thể cho thấy một vấn nạn mục vụ nghiêm trọng. Đối với những người thi hành sứ vụ của Giáo Hội, sự hời hợt có thể tạo nên chính nó một kiểu cưỡi ngựa xem hoa trong các chương trình và lý thuyết mục vụ, dẫn đến sự thiệt hại đến cuộc gặp gỡ trực tiếp và sinh hoa trái với người tín hữu của chúng ta, đặc biệt là những người trẻ đang cần một nền giáo lý vững vàng và một sự hướng dẫn thiêng liêng có ý nghĩa. Không bén rễ trong Đức Kitô, thì mọi sự thật mà chúng ta đang sống cuộc sống của mình có thể dần dần bị mất hút, việc thực hành các việc đạo đức chỉ còn là một kiểu hình thức, và công cuộc đối thoại có thể bị giảm thiểu xuống thành một hình thức thương lượng hoặc một thoả hiệp đến mức bất thành.
Và rồi cũng có một cơn cám dỗ thứ ba: đó là cơn cám dỗ của sự an toàn rõ ràng được tìm thấy ở phía sau những câu trả lời dễ dãi, những công thức, quy tắc và quy định có sẵn. Đức tin về mặt bản chất không phải là một sự tự hấp thụ; nó “đi ra ngoài”. Nó tìm kiếm sự hiểu biết; nó tìm kiếm để đề cao chứng tá; nó tạo ra sứ vụ. Theo nghĩa này, đức tin có thể làm cho chúng ta trở nên vừa không sợ hãi vừa không tự giả định trong việc làm chứng của chúng ta về niềm hy vọng và tình yêu. Thánh Phêrô cho chúng ta biết rằng chúng ta phải luôn trả lời cho tất cả những người hỏi chúng ta về niềm hy vọng có ở trong chúng ta (x. 1 Pr 3:15). Căn tính của chúng ta là những Kitô hữu cuối cùng được tìm thấy trong những nỗ lực thầm lặng của chúng ta để thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi, để yêu thương nhau, để phục vụ lẫn nhau, và để thể hiện bằng gương sống của chúng ta không chỉ về điều mà chúng ta tin, mà còn là điều mà chúng ta hy vọng, và về Đấng mà chúng ta đặt trọn niềm tin của chúng ta vào Ngài (x. 2 Tm 1:12).
Một lần nữa, chính là đức tin sống động của Chúng ta vào Đức Kitô vốn là căn tính sâu sa nhất của chúng ta; chính từ điều này mà công cuộc đối thoại của chúng ta khởi đi, và chính vì điều này mà chúng ta được mời gọi để chia sẻ, cách chân thành, trung thực và không có sự giả vờ, trong việc đối thoại hằng ngày, trong việc đối thoại về bác ái, và trong những dịp trọng thể như thế này. Bởi vì Đức Kitô chính là sự sống của chúng ta (x. Pl 1:21), nên chúng ta hãy nói “từ Ngài và về Ngài” cách sẵn sàng mà không có sự do dự hay sợ hãi nào cả. Sự đơn giản của lời Ngài trở nên rõ ràng trong sự đơn giản của đời sống của chúng ta, trong sự đơn giản của việc giao tiếp của chúng ta, trong sự đơn giản của những công việc phục vụ yêu thương của chúng ta dành cho anh chị em của chúng ta.
Giờ đây tôi muốn đi đến một khía cạnh xa hơn nữa của căn tính Kitô Giáo của chúng ta. Nó trổ sinh hoa trái. Bởi vì nó được sinh ra từ, và liên tục được nuỗi dưỡng bởi, ân sủng của công cuộc đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa và những tác động của Thần Khí Ngài, nó mang lại một mùa gặt của công lý, thiện hảo và hoà bình. Tôi xin hỏi anh em, về những hoa trái đang được anh em mang lại trong chính đời sống của anh em và trong đời sống của các cộng đoàn được uỷ thác cho sự chăm sóc của anh em. Liệu rằng căn tính Kitô Giáo của các Giáo Hội địa phương của anh em có chiếu sáng trong các chương trình giáo lý và mục vụ giới trẻ của anh em, trong sự phục vụ của anh em với người nghèo và những người bị loại trừ ra bên lề của các xã hội thịnh vượng của chúng ta, và trong những nỗ lực của anh em nhằm nuôi dưỡng ơn gọi linh mục và đời sống tu trì không?
Sau cùng, cùng với một cảm thức rõ ràng về căn tính Kitô Giáo của chúng ta, thì một cuộc đối thoại đúng đắn cũng đòi hỏi một khả năng cảm thông. Chúng ta bị thách đố để lắng nghe không chỉ những lời của người khác nói, mà của cả sự thông truyền vô ngôn của các kinh nghiệm, các niềm hy vọng, các thôi thúc, các đấu tranh, và những bận tâm thẳm sâu nhất của họ. Sự cảm thông như thế cần phải là hoa trái của chiều sâu thiêng liêng và kinh nghiệm cá nhân của chúng ta, điều sẽ dẫn chúng ta đến chỗ thấy người khác là anh chị em, và để “nghe” được, bên trong và vượt xa khỏi những ngôn từ và hành động của họ, điều mà tâm hồn họ khao khát thông truyền. Theo nghĩa này, việc đối thoại đòi hỏi chúng ta một tinh thần chiêm niệm về sự cởi mở và tiếp nhận đối với người khác. Khả năng đồng cảm này làm cho một cuộc đối thoại thực sự mang tính nhân loại mà trong đó các ngôn từ, ý tưởng và các câu hỏi được gợi lên từ một kinh nghiệm huynh đệ và nhân bản chung. Nó dẫn đến một cuộc gặp gỡ đúng đắn mà trong đó tâm hồn nói với tâm hồn. Chúng ta được làm cho phong phú nhờ bởi sự khôn ngoan của người khác và trở nên cởi mở để cùng đi với nhau trên một con đường dẫn đến sự hiểu biết, tình bằng hữu và liên đới lớn lao hơn. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nhận biết cách đúng đắn, sự dấn thân của chúng ta cho công cuộc đối thoại được bắt nguồn từ trong luận lý rất cụ thể của sự nhập thể: ở nơi Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa đã trở thành một trong số chúng ta, chia sẻ cùng sự sống của chúng ta và nói với chúng ta bằng chính ngôn ngữ của chúng ta (x. Ecclesia in Asia, 29). Trong tinh thần cởi mở với người khác này, tôi hết lòng hy vọng rằng các quốc gia ở trong châu lục của các bạn cùng với những nước mà Toà Thánh vẫn chưa thể vui hưởng một mối quan hệ trọn vẹn, sẽ không ngần ngại để tiến xa hơn nữa một cuộc đối thoại mang lại lợi ích cho tất cả.
Thưa anh em giám mục thân mến, tôi xin cám ơn anh em vì sự đón tiếp nồng hậu và huynh đệ. Khi chúng ta nhìn vào châu lục Á Châu rộng lớn này, cùng với những sự mở rộng về đất đai, các nền văn hoá và truyền thống xa xưa của nó, chúng ta ý thức rằng, trong kế hoạch của Thiên Chúa, các cộng đoàn Kitô Giáo của anh em thực ra là một pusillus grex, một đoàn chiên bé nhỏ nhưng lại có trách nhiệm mang ánh sáng của Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Xin Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng biết và yêu từng con chiên của Ngài, hướng dẫn và củng cố những nỗ lực của anh em để xây dựng sự hiệp nhất của đoàn chiên với Ngài và với tất cả các thành phần của đoàn chiên của Ngài trên toàn thế giới. Tôi phó thác tất cả anh em cho sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, và đồng thời ban phúc lành của tôi như là một cam kết của ân sủng và bình an trong Chúa.
Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Zenit.org)
Nguồn: Muối Ánh Sáng