Ngày 1 tháng 10
Lễ Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu
Tiến Sĩ Hội Thánh
Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo
Lễ Nhớ
* Thánh nữ sinh năm 1873 tại A-lăng-xông, nước Pháp. Người nhập đan viện Cát Minh ở Li-di-ơ, lúc tuổi còn rất trẻ, và nhận tên là Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Chị đã sống đời khiêm tốn, đơn sơ theo tinh thần Tin Mừng và hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa theo “con đường thơ ấu”. Chị cũng đã dùng lời nói và gương sáng để hướng dẫn các tập sinh trong Dòng. Chị qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897 trong niềm khao khát được hiến dâng mạng sống để các linh hồn được ơn cứu độ và Hội Thánh được tăng triển.
Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c
"Ðây Ta khiến sông bình an chảy vào nó".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3
Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
Xướng: 1) Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn. - Ðáp.
2) Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con. - Ðáp.
3) Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: x. Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 18, 1-4
"Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm : Con Ðường Nhỏ
Ðây quả thật là một sự trùng hợp hay ho vì chúng ta được dịp suy nghĩ hai lần theo hai biểu tượng khác nhau về thái độ sống như trẻ nhỏ để vào Nước Trời. Tác giả Phúc Âm theo thánh Luca nhắc đến chi tiết này: các môn đệ còn suy nghĩ trong lòng xem ai là kẻ lớn nhất và Chúa Giêsu đã hiểu thấu tâm tư của các ông nên Chúa gọi một trẻ nhỏ đến và dạy các ông bài học nên giống như trẻ nhỏ. Hôm nay, mùng 1/10, đúng ngày lễ kính thánh Têrêxa Hài Ðộng Giêsu, Giáo Hội chọn đọc Phúc Âm theo thánh Mátthêu nói về cùng một vấn đề nhưng trong viễn tượng khác. Theo tác giả Phúc Âm theo thánh Mátthêu thì các môn đệ không còn suy nghĩ trong lòng nữa nhưng đã tranh luận với nhau mà không tìm được câu trả lời nên mới đến hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Hai viễn tượng này không đối nghịch nhau nhưng bổ túc cho nhau và mô tả cho chúng ta tâm thức quá ư phàm trần của các môn đệ lúc đó, khi các ngài chưa được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Không những các môn đệ đã suy nghĩ trong lòng mà còn đem ra thành đề tài tranh luận nữa. Hành động này diễn tả thái độ nội tâm, lòng đã nghĩ xấu rồi, đã có sự ganh tị rồi nên mới đưa đến sự ganh tị với nhau. Các môn đệ chưa nhận được Chúa Thánh Thần, chưa được thanh luyện để trở nên con người mới, trở nên như trẻ nhỏ, có tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, trong sạch để làm việc cho Chúa.
Ðọc đoạn Phúc Âm này, chúng ta lưu ý thêm chi tiết này nữa, đó là Chúa Giêsu không trả lời liền câu hỏi mà các môn đệ đặt ra: "Ai là kẻ lớn nhất?", nhưng Chúa nói tới việc phải sống như trẻ nhỏ trước rồi sau đó mới trả lời: "Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này thì người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời". Chúa Giêsu không nói đến địa vị lớn nhỏ nhưng nói về giá trị tinh thần của con người sống như trẻ nhỏ, dễ dàng gần gũi thân tình với Chúa trước. Chính tình thương và ân sủng của Chúa mới làm cho con người được cao trọng chứ không phải những công việc do sức riêng của con người tạo nên.
Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu mà chúng ta mừng lễ hôm nay đã nêu gương cho chúng ta về điểm này khi thánh nữ đề ra con đường nhỏ để sống thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa. Cùng với thánh nữ chúng ta hãy cầu nguyện như sau:
Lạy Chúa của con,
Con muốn biết điều mà Chúa thực hiện cho kẻ bé nhỏ nhất đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
Chiếc thang máy để đưa con lên đến trời cao là chính đôi tay Chúa, vì thế con không cần lớn lên mà hiện tại con cần phải ở lại trong tâm tình bé nhỏ, cần phải càng ngày càng trở nên bé nhỏ hơn nữa.
Lạy Chúa của con,
Chúa đã cho con nhiều hơn điều con hy vọng là con muốn hát lên chúc tụng tình thương nhân từ của Chúa. Xin Chúa thương ban cho con một tâm hồn đơn sơ tươi trẻ, luôn tin tưởng phó thác vào Chúa như trẻ nhỏ phó thác vào cha mẹ và lúc nào cũng sống an vui, chân thành yêu Chúa và anh chị em.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 26 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Job 9:1-12, 14-16; Lk 9:57-62.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quan phòng của Thiên Chúa
Cơn bão Ike rơi xuống Houston, Texas, ngày 5 tháng 9 năm 2008 vừa qua là một ví dụ cho chúng ta thấy uy quyền của Thiên Chúa và sự mỏng giòn của con người. Mặc dù đã biết trước thời gian khi nào xảy ra, tốc độ của gió, chiều rộng của bão, và đã chuẩn bị để đón bão; thế mà cả một thành phố lớn thứ tư trên nước Mỹ đã không ngăn cản được bão và hòan tòan bị tê liệt vì hậu quả của cơn bão này. Tất cả các sinh họat của thành phố bị hủy bỏ, cây cối gẫy đổ khắp nơi, truyền thông và giao thông hầu như tê liệt hòan tòan, hầu hết thành phố chìm trong bóng đêm khi mặt trời lặn xuống. Đấy chỉ là bão cấp 2 và nước không vào thành phố nhiều; nếu là bão cấp 5 thì hậu quả còn tai hại biết chừng nào. Nếu nước cứ tiếp tục dâng như Nạn Hồng Thủy thì còn ai sống sót trên thế gian? Các Bài đọc hôm nay dạy con người biết khả năng hạn hẹp của mình và tin tưởng nơi quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức công chính của Thiên Chúa vượt trên tất cả.
1.1/ Sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt quá sự khôn ngoan của con người: Ông Gióp không tìm ra được lý do thỏa đáng tại sao ông phải chịu đau khổ. Các bạn ông tố cáo lý do tại sao ông phải đau khổ là vì tội lỗi ông đã phạm đến Thiên Chúa. Ông cực lực phản đối các bạn đã tố cáo ông; vì ông biết ông không bao giờ xúc phạm đến Thiên Chúa. Tuy vậy, ông cũng không dám nhận mình là người công chính. Ông nói: “Quả thật, tôi biết rõ thế này: Trước nhan Thiên Chúa, phàm nhân cho mình là công chính thế nào được? … Có ai lòng trí khôn ngoan, sức lực dũng mãnh, đương đầu với Người mà vẫn còn nguyên vẹn?” Ông biết khi ông tự nhận mình là công chính là ông đã ám chỉ Thiên Chúa bất công vì Ngài đã bắt người công chính chịu đau khổ. Vì thế, ông khiêm nhường nhìn nhận là mình không biết những gì xảy ra nơi Thiên Chúa.
1.2/ Uy quyền của Thiên Chúa và sự mỏng giòn yếu đuối của con người: Con người chỉ là một phần tử rất nhỏ khi so sánh với các phần tử khác của vũ trụ. Nếu các phần tử to lớn khác như núi non, biển cả, mặt trời, các tinh tú còn phải chịu sự điều khiển của Thiên Chúa, thì con người là ai mà dám mong được thóat ra ngòai sự điều khiển của Thiên Chúa. Ông Gióp thú nhận thân phận mỏng giòn của con người và nhìn nhận uy quyền của Thiên Chúa trong vũ trụ: “Người làm nên những điều vĩ đại khôn dò và những điều kỳ diệu không đếm xuể. Này, Người có đi qua tôi, tôi cũng chẳng thấy, Người có lướt tới, tôi cũng chẳng nhận ra. Này Người bắt đi, ai giành lại được? Ai dám hỏi Người: "Ngài làm gì thế?"”
1.3/ Thái độ thích ứng của con người trước Thiên Chúa: Con người không thể cãi lý với Thiên Chúa vì không có khôn ngoan đủ để hiểu biết hết tất cả các điều kỳ diệu Chúa đã làm. Nếu cái bình không thể cãi lý với người thợ gốm tại sao để nó là nguyên vẹn là đất sét mà lại nặn lên nó thành hình dạng cái bình, thì con người cũng không thể chất vấn Thiên Chúa tại sao cho con người có mặt trong cuộc đời hay tại sao cho làm người này mà không cho làm người khác. Thái độ thích ứng nhất của con người không phải là tranh cãi mà chỉ biết vâng lời và trông cậy vào tình thương của Thiên Chúa. Sau khi đã than thân trách phận và nguyền rủa ngày sinh của mình, ông Gióp hối hận và thốt lên: “Chẳng lẽ tôi lại tranh cãi, hay tìm lý để chống đối Người sao? Cho dù tôi có lý, tôi cũng không tranh cãi, nhưng sẽ xin Đấng xét xử tôi thương xót. Tôi có kêu cầu và Người đáp lại, tôi cũng chẳng tin là Người nghe tiếng tôi.”
2/ Phúc Âm: Con người sống bằng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
2.1/ Người môn đệ phải có thái độ sống như Chúa Giêsu: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." Con người có khuynh hướng tìm an tòan và tích trữ của cải cho tương lai, Chúa Giêsu thách đố các môn đệ từ bỏ khuynh hướng này và dạy con người phải hòan tòan tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ai không có can đảm theo lời Chúa dạy thì không thể làm môn đệ của Chúa, như chàng thanh niên giàu có đã buồn rầu bỏ đi vì anh có quá nhiều của cải.
2.2/ Mục đích trên hết và trước nhất của người môn đệ là loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi!" Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." Đức Giê-su bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa." Nhiều người cho rằng Chúa Giêsu khuyến khích việc bất hiếu với cha mẹ vì dưới mắt con người không chôn cất cha mẹ là mang tội bất hiếu. Chắc chắn Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ, nhưng đồng thời Chúa cũng dạy phải tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu việc chôn cất cha mẹ làm cản trở cho việc rao giảng Tin Mừng thì “hãy để kẻ chết chôn kẻ chết.” Làm sao kẻ chết có thể chôn kẻ chết? Điều Chúa muốn nói ở đây là hãy để con người phải chết chôn kẻ chết. Chúa sẽ quan phòng lo liệu để có người chôn cha mẹ mà không cần đến sự hiện diện của người con đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa.
2.3/ Người môn đệ không nuối tiếc những gì đã từ bỏ: Khi một người xin phép về từ biệt gia đình, Chúa Giêsu bảo người đó: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa." Trong thực tế, lời khuyên này rất đúng cho kẻ cầm cày: để cày đất thẳng hàng, kẻ cầm cày không được ngóai lại đàng sau để nhìn; nếu làm như thế luống cày sẽ không thẳng. Trong cuộc đời tận hiến cũng vậy, nếu không dứt khóat từ bỏ, người tận hiến sẽ từ từ bị cám dỗ để lấy lại hết những gì mình đã từ bỏ: của cải vật chất, gia đình, ý riêng … nhiều khi còn lấy lại nhiều hơn những gì mình đã từ bỏ trước. Một khi đã quay trở về đường cũ, con người còn đâu nghị lực để làm chứng cho Tin Mừng?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải luôn tin tưởng vào sự khôn ngoan, uy quyền, và sự quan phòng của Thiên Chúa. Cám dỗ muôn đời của quỉ dữ là làm cho con người tin tưởng vào chính mình. Một khi con người nghĩ mình có thể làm chủ cuộc đời của mình, Thiên Chúa sẽ không còn chỗ đứng trong cuộc đời con người.
- Khi không hiểu được lý do của những việc xảy ra trong cuộc đời, chúng ta đừng vội trách Thiên Chúa bất công. Thái độ thích ứng nhất là chúng ta phải vững tin vào lòng thương xót Chúa và cầu xin để Ngài thêm sức chịu đựng hay cất khỏi nếu đẹp ý Ngài.
- Mục đích của con người khi còn sống trong cuộc trần này là làm vinh danh Thiên Chúa chứ không phải để lo thu tích của cải cho mình và gia đình. Tất cả những gì ngăn cản việc làm vinh danh Chúa, chúng ta phải có can đảm để khước từ chúng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP