Thứ Ba sau Chúa Nhật 32 Quanh Năm

Thứ Ba sau Chúa Nhật 32 Quanh Năm
Thánh Máctinô, giám mục. Lễ nhớ.


* Thánh nhân sinh khoảng năm 316 trong một gia đình ngoại giáo. Người lãnh nhận bí tích thánh tẩy, sau đó bỏ binh nghiệp. Trước tiên, người làm đồ đệ của thánh Hilariô, lập đan viện Liguygê, nước Pháp. Rồi khi được đặt làm giám mục giáo phận Tua (372), người thành lập nhóm đan sĩ truyền giáo. Cùng với họ, người đi giảng Tin Mừng ở các vùng quê thuộc miền Turen và các vùng phụ cận. Người qua đời năm 397.
Bài Ðọc I: (Năm II) Tt 2, 1-8. 11-14
"Chúng ta hãy sống đạo đức, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Ðấng cứu độ chúng ta".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Con thân mến, con hãy giảng dạy những gì hợp với đạo lý lành mạnh. Những ông cao niên hãy sống tiết độ, đoan trang, khôn ngoan, lành mạnh trong đức tin, đức mến, đức kiên nhẫn. Các bà cao niên cũng thế, phải ăn ở thánh thiện, chớ nói hành nói xấu, chớ mê say rượu chè, nhưng biết dạy đường lành, để dạy cho các thiếu phụ biết mến chồng thương con, khôn ngoan, thanh khiết, tiết độ, chăm lo việc nhà, hiền hậu, tùng phục chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị xúc phạm.
Các thanh niên cũng thế, con hãy khuyên dạy cho chúng biết tiết độ. Trong mọi sự, con hãy nên gương mẫu về các việc lành, tinh tuyền trong giáo huấn, trang nghiêm, lời lẽ lành mạnh không ai bắt bẻ được, để đối phương phải xấu hổ, vì không thể nói xấu chúng ta điều gì.
Vì chưng, ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 18 và 23. 27 và 29
Ðáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).
Xướng: 1) Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. - Ðáp.
2) Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Nhờ ơn Chúa mà hiền nhân vững bước, và Người yểm hộ đường lối người đi. - Ðáp.
3) Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu. Những người hiền sẽ được đất nước, và cư ngụ ở đó tới ngàn thu. - Ðáp.

Alleluia: Cl 3, 16a và 17c
Alleluia, alleluia! - Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Ðức Kitô mà tạ ơn Chúa Cha. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 7-10
"Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: "Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa", mà trái lại không bảo nó rằng: "Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống"? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.
"Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Tinh Thần Phục Vụ Ðích Thực
Nhân vật nổi tiếng trong Giáo Hội hiện nay được thế giới nhắc nhớ và thương mến nhất, hẳn phải là Mẹ Terêsa Calcutta, một người đã được nhiều giải thưởng nhất: giải Magsaysay do chính phủ Phi Luật Tân dạo thập niên 60; đầu năm 1971, Mẹ lại được Ðức Phaolô VI trao giải Gioan XXIII vì hòa bình; giải thưởng Kenedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng, tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng để xây dựng trung tâm Kenedy tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Calcutta; tháng 12/1972 chính phủ Ấn nhìn nhận sự đóng góp của Mẹ và trao tặng Mẹ giải Nêru; nhưng đáng kể hơn nữa là giải Nobel Hoà bình năm 1979, đây là giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến, cũng như những lần khác, khi một viên chức chính phủ Ấn gọi điện thoại để chúc mừng, Mẹ đã trả lời: "Tất cả vì vinh quang Chúa".
"Tất cả vì vinh quang Chúa", đó là động lực đã thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người nghèo trên khắp thế giới. Với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc do các giải thưởng mang lại, Mẹ vẫn tiếp tục là một nữ tu khiêm tốn, nghèo khó, làm việc âm thầm giữa những người nghèo khổ nhất. Thông thường, các giải thưởng cho một người nào đó như một sự nhìn nhận vào cuối một cuộc đời phục vụ làm việc hay một công trình nghiên cứu; nhưng đối với Mẹ Têrêsa, mỗi giải thưởng là một bàn đạp mới, một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người biết đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.
Qua cuộc đời của Mẹ Têrêsa, chắc chắn thế giới sẽ hiểu hơn thế nào là tinh thần phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Một Giáo Hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng sáng tỏ hơn; trái lại, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ lu mờ đi, nếu Giáo Hội chưa thể hiện được tinh thần phục vụ đích thực của Ngài.
Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã khẳng định: "Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi". Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao?
Như vậy, ở đây, Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: "Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại định hướng cơ bản trong cuộc sống chúng ta: đâu là mục đích và ý nghĩa cuộc sống chúng ta? đâu là giá trị đích thực mà chúng ta đang tìm kiếm và xây dựng trong cuộc sống hiện tại.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 32 TN2
Bài đọc: Tit 2:1-8, 11-14; Lk 17:7-10.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người có bổn phận phục vụ Thiên Chúa.
Trong lãnh vực thương mại, khi một người ra ngân hàng mượn tiền, họ có bổn phận phải trả lại cho ngân hàng cả vốn lẫn lời. Cùng một cách như vậy đối với Thiên Chúa, Ngài đã cho con người vay tất cả mọi sự: tình yêu, ơn thánh, sự sống, khôn ngoan, tài năng, thời gian, của cải vật chất. Con người phải trả lại tương xứng tất cả những gì Thiên Chúa đã cho vay, và còn phải hơn thế nữa cho phân lời. Khi hòan tất cả vốn lẫn lời, con người mới chỉ chu tòan bổn phận mà thôi. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô nhắc nhở Titô bổn phận phải trau dồi kiến thức cũng như đức hạnh trước khi có thể gíao dục mọi thành phần Dân Chúa trong giáo đòan. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chỉ dạy các môn đệ: Thiên Chúa không cần phải biết ơn con người; vì nếu con người hết lòng phục vụ Thiên Chúa, họ mới chỉ chu tòan bổn phận của họ mà thôi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải giáo dục mọi thành phần của Dân Chúa biết sống tốt lành.
Thư gởi Titô là một trong các Thư Mục Vụ. Gọi là các Thư Mục Vụ vì nội dung liên quan đến đời sống các tín hữu. Bổn phận người lãnh đạo là phải giáo dục và chăm sóc mọi thành phần trong giáo đòan, không được lơ là bất cứ một thành phần nào. Đọan văn hôm nay nói tới:
1.1/ Bổn phận giáo dục mọi thành phần trong Giáo-đòan của Titô:
(1) Bản thân người lãnh đạo: Không ai có thể cho cái mình không có nên Phaolô khuyên Titô phải biết trau dồi bản thân về cả 2 phương diện tri thức và đức hạnh:
- về phương diện tri thức: Lãnh đạo phải khôn ngoan sáng suốt. Điều quan trọng trước tiên là phải rành rẽ đạo lý mình tin tưởng: “Khi anh giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng, lời lẽ phải lành mạnh, không ai bắt bẻ được, khiến đối phương phải bẽ mặt, vì không thể nói xấu chúng ta được điều gì… Hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh.”
- về phương diện đức hạnh: Không phải chỉ dạy đạo lý thôi, mà “chính anh hãy làm gương về mặt đức hạnh.”
(2) Các thành phần trong cộng đòan: Người lãnh đạo không được chỉ chú trọng đến một hay vài giới trong dân, nhưng phải giáo dục mọi thành phần của Dân Chúa. Lý do đơn gỉan: tất cả đều là các chi thể của một thân thể; và nếu một chi thể đau, tòan thân sẽ phải chịu cùng hậu quả. Thánh Phaolô khuyên Titô nên dạy:
- Các cụ ông: Là những người chủ trong gia đình, họ có bổn phận làm gương và hướng dẫn gia đình của họ: “Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến, và đức nhẫn nại.”
- Các cụ bà: Phúc đức tại mẫu. Các bà có bổn phận dạy dỗ con: “Phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành.”
- Các thiếu nữ: Các bà mẹ phải dạy cho những bà mẹ tương lai: “biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm.”
- Các thanh niên: Anh cũng hãy khuyên các thanh niên phải giữ chừng mực trong mọi sự.
1.2/ Lý do tại sao phải sống tốt lành: Thánh Phaolô đưa ra 3 lý do:
(1) Ân sủng của Thiên Chúa ban: là để sống tốt lành. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính, và đạo đức ở thế gian này.
(2) Niềm hy vọng vào cuộc sống đời sau: Mọi tín hữu phải sống tốt lành vì “chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.” Trong ngày đó, con người sẽ phải lãnh nhận hậu quả cho các việc mình đã làm.
(3) Là Dân Riêng của Thiên Chúa: Các tín hữu đã được rửa sạch bằng Máu Thánh của Đức Kitô, nên họ phải sống cuộc đời thanh sạch: “Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân Riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.”
2/ Phúc Âm: Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.
2.1/ Bổn phận và việc thiện nguyện: Để hiểu ý nghĩa đọan văn ngắn này, chúng ta cần phân biệt 2 hành động:
(1) Bổn phận phải làm: Bổn phận của đầy tớ là phải phục vụ chủ, không cần biết việc phải làm nhiều đến đâu: "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi!" chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!” Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?”
(2) Việc thiện nguyện: Nếu một người không phải là đầy tớ, mà tình nguyện phục vụ người khác; đó mới là việc thiện nguyện. Người lãnh nhận phải biết ơn người tình nguyện phục vụ.
2.2/ Thiên Chúa có cần phải biết ơn con người? Cũng vậy, con người có bổn phận phục vụ Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên con người; đồng thời Ngài đầu tư vào con người tất cả những gì cần thiết để làm việc sinh lời cho Ngài: ơn thánh, thời gian, sức khỏe, tài năng… Khi con người ra sức làm việc để sinh lời tương xứng cho Chúa, đó mới chỉ là hòan tất bổn phận hay công bằng, vì mượn vốn thì phải trả cả lời lẫn vốn. Vì mọi sự trên đời là của Thiên Chúa, nên Ngài không cần phải biết ơn con người như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa ưu đãi và đối xử tốt với con người như trong trình thuật khác của Luca: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lk 12:37); đó là vì Ngài quá thương yêu con người mà thôi.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Bổn phận của người lãnh đạo cộng đòan là phải giáo dục đức tin và nhân bản cho mọi thành phần trong giáo đòan. Để có thể chu tòan bổn phận, người lãnh đạo trước tiên phải có một đức tin vững mạnh, khôn ngoan học hỏi, dạy dỗ mọi thành phần, và phải làm gương sáng cho mọi người.
- Chúng ta phải ra sức tận dụng những quà tặng Thiên Chúa ban: sự sống, ơn thánh, thời gian, khôn ngoan, tài năng, của cải vật chất, để sinh lời cho Ngài.
- Cho dẫu hòan tất tốt đẹp và trả lại tương xứng cho Thiên Chúa, con người cũng không có quyền đòi Thiên Chúa phải biết ơn họ; vì họ mới chỉ làm tròn bổn phận đã được giao phó mà thôi.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Previous Post Next Post