Cuộc đón tiếp của Đức Thánh Cha nhân dịp Đại Lễ Giáng Sinh: Những bệnh tật của Giáo Triều
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đưa ra một danh mục đầy đủ về „những bệnh tật của Giáo Triều“: Những bài diễn văn của các Đức Thánh Cha trước Giáo Triều Vatican nhân dịp Đại Lễ Chúa Giáng Sinh vẫn luôn là cơ hội để nói về những điều căn bản, và vào hôm thứ Hai vừa qua, trong hai bài diễn văn của Ngài thuộc thể thức này, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng đã không thực hiện một điều gì ngoại lệ. Trước các vị lãnh đạo cũng như trước những thành viên cao cấp thuộc ban quản trị của Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha đã nói về những thái độ và những quan điểm mà chúng hủy hoại sự hiệp nhất cũng như phá hoại sự phục vụ Giáo hội.
„Giáo Triều được kêu gọi canh tân chính mình, càng ngày càng phải nên tốt hơn, và phát triển trong sự hiệp thông, trong sự thánh thiện và trong sự khôn ngoan, hầu có thể hoàn toàn chu toàn sứ mạng của mình. Và cũng giống như bất cứ một thân xác nhân loại nào, Giáo Triều cũng bị dính dấp tới một số loại bệnh (…) Ở đây, Cha muốn nêu ra một số con bệnh thuộc những loại bệnh có thể ấy, những bệnh tật thuộc Giáo Triều.“
Đức Thánh Cha đã nhận diện được cả thảy 15 con bệnh thuộc những thứ bệnh này. Vì thế, Ngài muốn giới thiệu một cuộc tự vấn lương tâm trước dịp Đại Lễ - Đức Thánh Cha nói. Thiên Chúa, Đấng được sinh ra trong sự khó nghèo, muốn dậy chúng ta sự khiệm nhượng. Ngài đã không đến với những người ưu tuyển, nhưng đến với những người nghèo hèn và những người đơn sơ.
Các bệnh tật mà Đức Thánh Cha nói tới, thực ra nó không chỉ giới hạn trong Giáo Triều, nhưng đó là những cơn cám dỗ mà tất cả mọi Ki-tô hữu đều dính dấp tới. Lẽ dĩ nhiên, những cơn cám dỗ ấy „cũng là một mối nguy đối với bất cứ Ki-tô hữu nào, đối với bất cứ cơ quan nào thuộc Giáo Triều, đối với cộng đồng, đối với các Hội Dòng, đối với các Giáo xứ và đối với các phong trào thuộc Giáo hội.“ Giáo Triều được coi như là một mô hình thu nhỏ của Giáo hội hoàn vũ.
15 thứ bệnh tật
Bệnh thứ nhất: Coi Giáo Triều là một cái gì đó bất tử, có quyền bất khả xâm phạm và không thể thay thế. „Một Giáo Triều mà không biết tự phê, không canh tân chính mình, không muốn trở nên tốt hơn, thì đó là một cơ thể bệnh tật. Một cuộc đi viếng nghĩa địa sẽ có thể giúp chúng ta nhìn thấy tên của tất cả những người mà họ nghĩ rằng mình là bất tử, là người có quyền bất khả xâm phạm, và không ai có thể thay thế được.“ Thứ bệnh này đến từ một hội chứng tự mê. Hội chứng này chỉ thích nhìn ngắm chính mình nhưng không nhìn ngắm dung nhan Thiên Chúa, và cũng không ngó ngàng đến khuôn mặt của những người thiếu thốn. Thuốc đặc trị dành cho loại bệnh này: nhìn mình với tư cách là tội nhân.
„Một loại bệnh thiếp theo là: chủ nghĩa Mar-ta (theo nhân vật Mar-ta trong Kinh Thánh), tức bệnh ham mê công việc một cách quá mức đến độ bị ám ảnh. (…) Không quan tâm tới những nghỉ ngơi cần thiết sẽ dẫn tới stress, và dẫn tới việc bị kích động“ – Đức thánh Cha nói tiếp. „Ngoài ra còn có thứ bệnh bị hóa đá về tinh thần hay tâm linh, nó có nghĩa là trở nên như những người có con tim bằng đá và xơ cứng lỳ lợm. Đó là những người đang trên đường đánh mất sự bình an trong tâm hồn, đánh mất sự linh hoạt và tính can đảm, và là những người giấu mình dưới những đống giấy tờ, và trở nên ´những chiếc máy làm việc` chứ không còn là ´những con người của Thiên Chúa` nữa. Điều đó dẫn tới nguy cơ đánh mất đi sự đồng cảm của con người, điều mà người ta rất cần để có thể khóc với người khóc, và vui với người vui!“
Đức Thánh Cha đã liệt kê ra cả thảy 15 thứ bệnh tật về tinh thần: chủ nghĩa hoạt động và sự đam mê theo đuổi những kế hoạch một cách quá đáng, hay sự chia rẽ trong công việc.
„Đó cũng là một loại bệnh Alzheimer về tinh thần, có nghĩa là bệnh lãng quên lịch sử cứu độ, lãng quên lịch sử cá nhân với Thiên Chúa, lãng quên ´mối tình đầu` (Kh 2,4). Ở đây là sự giảm hạ theo từng bước các khả năng tinh thần, mà trước cũng như sau, luôn dẫn tới một sự cản ngăn nặng nề đối với con người, và làm cho con người trở nên mất khả năng trong việc hành động một cách tự chủ, cũng như làm cho con người sống trong một tình trạng hoàn toàn lệ thuộc vào với những hình ảnh tự vẽ được tạo ra bởi chính họ.“
Những thứ bệnh tự cao tự đại cũng nhận được nhiều mối quan tâm: tìm kiếm chức vị và huân chương, tìm cách tiếp cận với người lãnh đạo và những người lãnh đão ưa nịnh.
„Rồi cũng có thứ bệnh thuộc chứng tâm thần phân liệt mang tính sinh tồn: Bệnh của những người sống cuộc sống hai mặt, hậu quả của sự giả hình ở mức trung bình và sự trống rỗng tinh thần đang gia tăng, những người không thể tự trấn an với những học vị mang tính hàn lâm hay những kỳ thi tốt nghiệp. Loại bệnh này liên quan trước hết tới những người mà họ đã từ bỏ công việc mục vụ và tự giới hạn mình vào việc quản trị, cũng như đã đánh mất đi mối giao tiếp với thực tế, với những con người cụ thể. Và do đó, họ tự tạo ra một thế giới song song.“
Nói chung, những lời của Đức Thánh Cha đã đề cập tới rất nhiều những thiếu sót trong công cuộc mục vụ. Một lần nữa, Đức Thánh Cha cũng đề cập một cách rõ ràng tới chuyện ngồi lê đôi mách, tới chuyện coi thường, làm mất thanh danh người khác. Người ta lạnh lùng „giết chết danh thơm tiếng tốt của tha nhân“ để làm cho mình nổi danh hơn – Đức Thánh Cha nói.
Việc tích cóp tiền tài một cách quá mức, sự gay gắt và sự hà khắc đối với tha nhân, việc tự nhốt mình lại trong một vòng tròn kép kín, đó là những điều giống như một khối ung thư: Một lần nữa, và từ những viễn tượng khác, Đức Thánh Cha đã đề cập tới điều mà nó đang ngăn cản sự dẫn dắt của Giáo hội hoàn vũ, phá hoại Giáo hội và trong mối liên hệ đến Giáo Triều, làm hư Giáo hội.
Sự trợ giúp của tính hài hước
„Đó là căn bệnh của khuôn mặt đưa đám: Điều này có nghĩa là những người có khuôn mặt cau có, cay đắng, những người nghĩ rằng, mình phải nghiêm khắc, phải sơn phết cho khuôn mặt của mình bằng sự u sầu, và những người cư xử với người khác, đặc biệt là với những người yếu đuối hơn, bằng một sự nghiêm nghị, hà khắc và hách dịch đến lì lợm. Trong thực tế, sự nghiêm nghị mang tính sân khấu này là một sự yếm thế vô sinh và là một chỉ dấu của sự sợ hãi và bất an.“
Trái lại, có một điều có thể giúp đỡ: sự hài hước, và do đó có khả năng để cười trên chính mình. Đức Thánh Cha cho biết rằng, lời cầu nguyện của Thánh Tô-ma Mor mà Ngài vẫn sử dụng hằng ngày, đã giúp đỡ Ngài. Lời cầu nguyện ấy có nội dung như sau: „Xin hãy ban ơn để con hiểu được một câu nói đùa, để con nhận ra được một chút hạnh phúc, và chia sẻ niềm hạnh phúc ấy với người khác.“
Cơn bệnh của sự lợi nhuận thế tục cũng gây ra rất nhiều sự hủy hoại, nếu sự phục vụ bị biến thành quyền lực. Điều này liên quan đến những người đang muốn làm tăng thêm quyền lực của mình bằng mọi giá, và làm tất cả mọi chuyện chỉ vì điều ấy, kể cả việc vu khống, nhục mạ và bôi nhọ thanh danh người khác, trước hết là trên các phương tiện truyền thông, thậm chí còn nhân danh cả đến sự minh bạch và công lý. „Về điều này, Cha nghĩ tới một Linh mục. Vị này đã gọi điện cho cánh nhà báo và kể cho họ nghe về những chuyện riêng tư của các anh em đồng nghiệp cũng như của các thành viên trong Giáo xứ. Đối với vị Linh mục ấy, việc kể lể những điều trên chỉ cốt làm sao để mình có tên trên trang nhất của một tờ báo, vì chỉ như thế ngài mới cảm thấy mình vĩ đại và thú vị. Nhưng ngài đã gây ra nhiều sự hủy hoại đối với Giáo hội và những người khác. Đúng là một con người tội nghiệp!“
Giáo Triều được kêu gọi luôn luôn canh tân chính mình và trở nên đồng tâm nhất trí hơn - Đức Thánh Cha tiếp tục những suy tư của Ngài. Đó không phải là những lời phê phán cụ thể mà Đức Thánh Cha đã giãi bày, nhưng đó là một bản tự vấn lương tâm rất rõ ràng mà Đức Thánh Cha đưa ra. Càng ngày Đức Thánh Cha càng thể hiện một sự nhận thức rõ ràng rằng, trong các cuộc cải tổ, người ta phải thực hiện việc canh tân con người trước tiên rồi sau đó mới đến chuyện cải tổ các cấu trúc. Giáo Triều – cũng như toàn thể Giáo hội – không thể sống mà không có các mối tương qua cá nhân, xác thực và sâu xa với Chúa Ki-tô.
Nêu tên các loại bệnh chính là bước đầu tiên dẫn tới sự canh tân – Đức Thánh Cha khép lại phần trình bày của Ngài. Sứ mạng dành cho tất cả những ai đang hiện diện ở đây là kiếm tìm những điểm chung, sự hiệp nhất, hầu có thể phục vụ Giáo hội một cách tốt hơn.
(rv 22.12.2014 ord)
Đam Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu