Nhiều người khi chưa hiểu lo lắng bảo cha Giuse Nguyễn Văn Tịch, chánh xứ Tây Hải – GP Xuân Lộc “ôm đồm” nhiều việc quá, nhưng một khi đã nhìn thấy sự tận tâm, lòng nhiệt huyết của cha vì tha nhân thì đều hết mình giúp sức và các hoạt động thiện nguyện do cha khởi xướng mỗi ngày thêm triển nở.
Linh mục GIuse Nguyễn Văn Tịch |
MEN MUỐI CHO ĐỜI
Đồng hành cùng những số phận kém may mắn là chọn lựa mà linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch vạch ra cũng như kiên trì thực hiện từ ngày mới nhận lãnh sứ vụ linh mục (2006) cho đến nay. Hiện cha vừa điều hành và đồng hành một lúc nhiều chương trình bác ái xã hội, từ phòng khám cho người nhiễm HIV, phòng khám cho bệnh nhân nghèo, đến việc tương trợ người mù; lo bữa cơm cho người nghèo khổ bệnh hoạn hay nhận chôn cất người vô gia cư, xây nghĩa trang đồng nhi, mái ấm cho phụ nữ lỡ làng… “Tiếp xúc với nhiều cảnh khổ, ban đầu, tôi thấy họ đói thì giúp cơm, giúp gạo, sau thấy họ bệnh nên giúp thuốc thang, sau nữa, thấy người nhiễm HIV cần sự chăm sóc, thấy thai nhi bị bỏ rơi cần được chôn cất tử tế… Cứ bắt đầu bằng những cái “thấy” được như thế trong cuộc sống thường ngày mà tôi nghĩ ra cách phục vụ”, cha Giuse Nguyễn Văn Tịch vui vẻ chia sẻ.
Cơm tình thương, một trong những hoạt động được nhiều giáo dân giúp đỡ |
Chăm lo cho bệnh nhân HIV chính là một trong những hành động đầu tiên của cha Tịch khi bắt đầu sứ vụ linh mục. Nhiều người biết đến Phòng khám Mai Hoa, P.Tân Biên, TP.Biên Hòa như ngôi nhà thứ hai của người nhiễm H. Câu chuyện về Mai Hoa được bắt đầu khi vị linh mục vốn nhiều khắc khoải về những mảnh đời bất hạnh có dịp gần gũi với những bệnh nhân khoa AIDS ở bệnh viện Da liễu Đồng Nai. Nung nấu ý tưởng về một ngôi nhà tình thương dành cho họ, tháng 8.2009, phòng khám ra đời dưới sự hỗ trợ, đồng tình của nhiều tấm lòng hảo hiệp. Tuy thời gian đầu, phòng khám vấp phải những khó khăn do sự kỳ thị, sợ hãi của nhiều người dân trong khu vực, nhưng với sự kiên trì tuyên truyền của cha Tịch và cộng sự, người dân đã hiểu và thông cảm để Mai Hoa hoạt động. Nhớ lại buổi đầu khi biết có phòng khám, chị Hoa, một người dân gần đó nói rằng: “Ngày trước, ai cũng thấy sợ nhưng rồi thấy cha và nhiều người tình nguyện khác vẫn ăn uống, chăm sóc cho người bệnh bình thường nên cũng thôi dần định kiến, hơn nữa, còn cảm phục và thông cảm trước những tấm lòng phục vụ những số phận bất hạnh”.
Giáo xứ Tây Hải cùng gói bánh chưng cho người nghèo đón Tết |
Từ đội ngũ tình nguyện còn mỏng ban đầu nay Mai Hoa đã có ban Điều hành gồm 7 người, trong đó có 3 linh mục, 2 tu sĩ và 2 giáo dân. Nhóm chăm sóc có 24 người với 3 bác sĩ, 3 y sĩ, 4 dược tá, 4 tu sĩ, còn lại là giáo dân. Ban truyền thông gồm 1 linh mục, 1 tu sĩ, 5 giáo dân. Nhờ đó công tác chăm sóc và điều trị cũng như tuyên truyền, tham vấn tâm lý được thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, cha Tịch còn cùng cộng sự phụ giúp tại bệnh viện Da liễu Đồng Nai. Mỗi tuần ba lần mang thực phẩm, thức ăn, nhu yếu phẩm đến phục vụ. Đặc điệt, cha còn mở dự án trồng gừng củ, dự án hàng đan lát tạo việc làm để tạo thu nhập, giúp người HIV tự đi trên đôi chân của mình. Sau một thời gian hoạt động, từ nhu cầu thực tế, Mai Hoa đã thành lập nhóm liên kết “Bạn và linh mục Nguyễn Văn Tịch”, nhóm Nắng Mai, nhóm Tình Bạn với hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, tư vấn, chăm sóc những người có H, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên…
Phòng khám từ thiện tại giáo xứ Tây Hải dành cho các thành phần khó khăn |
Tình thương yêu còn được cha Tịch chia sẻ với những số phận cả đời sống trong “bóng tối”. Lời thỉnh cầu của anh chị em khiếm thị xin cha giúp quy tụ để sinh hoạt, xin giúp vốn và việc làm cứ ở mãi trong tâm trí cha. Không phụ lòng trông đợi của họ, cuối năm 2011, dãy nhà khang trang gồm 8 phòng với sức chứa 5 người/phòng được hoàn thiện. Đây là điểm trú ngụ cho những người mù có hoàn cảnh khó khăn từ nhiều nơi về Biên Hòa làm việc. Cha còn phối hợp với dòng MTG Thủ Đức tổ chức dạy nghề, định hướng nghề nghiệp cho người khiếm thị và mở rộng phạm vi hoạt động để người mù huyện Nhơn Trạch và Cẩm Mỹ trong địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng được quan tâm. Điển hình nhất là chương trình giúp người mù đi trên đôi chân của mình bằng cách cho họ vay vốn với lãi xuất 0%... Riêng tại TP Biên Hòa, cha còn mở điểm massage khiếm thị Thiên Ngọc (cách giáo xứ Tây Hải khoảng 500m) để giúp người mù có thể sống bằng sức lao động của chính mình, tự tin vươn lên trong cuộc sống, cũng như giúp cho xã hội nhìn và hiểu đúng với từ “massage thư giãn”. Nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn người mù trong dự án của cha ngày một tự tin hòa nhập cuộc sống.
NHỮNG TẤM LÒNG QUY TỤ
Nhiều cộng sự của cha Tịch, rất đông trong số đó là giáo dân Tây Hải khi được hỏi về những “ôm đồm” của cha đã chia sẻ: “Thoạt tiên, rất nhiều người còn e ngại vì những việc cha làm vì thực sự không phải ai cũng dám làm. Nhưng rồi những việc làm mang nhiều tác động mạnh mẽ đó đã giúp nhiều người mở lòng hơn…”. Và chính vì thấu hiểu cho vị linh mục đáng kính này mà Tây Hải trở nên địa chỉ của nhiều hoạt động bác ái xã hội khác nữa.
Cha Tịch luôn dành nhiều tình cảm cho những người kém may mắn |
Như tại khu vực hạt Hố Nai có khá đông người dân nhập cư, đa số đến từ các tỉnh miền Tây và miền Bắc chủ yếu làm công nhân, phụ hồ, bán hàng rong hoặc làm nghề tự do và đều phải đi thuê trọ. Số di dân đến rồi đi, thay đổi liên tục rất khó nắm bắt nên ít nhiều có sự phức tạp. Đặc biệt, với những người có đạo, tình trạng rối hay nguội lạnh lòng đạo khá phổ biến. Trước thực tế này, cha Tịch đã thành lập văn phòng di dân tại xứ để tiếp nhận, lắng nghe nguyện vọng của người di dân và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm đồng hành với người di dân một cách hiệu quả nhất.
Nổi bật phải kể đến “Nhóm phục vụ phòng trọ” với 12 thành viên chính thức, chủ yếu là người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm sống. Đều đặn tuần 4-5 lần, nhóm đi khắp xóm lớn, hẻm nhỏ, lắng nghe, chia sẻ và ghi nhận lại những trường hợp cần giúp đỡ. Họ phổ biến những chương trình cấp phát thuốc, thăm khám định kỳ hằng tuần vào sáng Chúa nhật, chương trình chữa răng miệng vào các sáng Chúa nhật thứ 2 trong tháng… và hỗ trợ về kinh tế nhằm phần nào giúp các gia đình nhập cư còn nghèo bớt được chút ít tiền chợ… Tại văn phòng di dân mỗi sáng, bữa ít bữa nhiều, đều có các loại rau củ quả được phân phát. Nguồn hỗ trợ này đến từ các tiểu thương tại chợ rau đầu mối gần giáo xứ.
Ngoài ra, văn phòng di dân còn nhận ứng mua gạo cho những gia đình di dân khó khăn với mức giá 10.000đồng/kg, trả tiền vào cuối tháng. Việc tổ chức cắt tóc miễn phí cũng thường xuyên được tổ chức hằng tháng. Chính vì có nhiều hoạt động, nên khuôn viên giáo xứ luôn tấp nập người qua lại, người có hoàn cảnh khó khăn tìm đến để được tương trợ xen lẫn với những người thiện nguyện…
Bên cạnh các hoạt động thuộc mảng di dân thường do người lớn tuổi tham gia, các chương trình khác như nồi cơm tình thương, nồi cháo cho bệnh nhân nghèo lại do các bà mẹ trong xứ đảm nhận. Tuần 3 lần đều đặn, các chị em lại cùng nhau mang cơm, cháo đến các bệnh viện trong thành phố Biên Hòa. Sự khéo léo trong cách vun vén, tính toán cùng khả năng nấu nướng của các bà các chị giúp những phần cơm ngon lành được nhanh chóng, gọn gàng chuyển đến tận tay từng người bệnh nghèo. Còn giới trẻ giáo xứ có chương trình bánh mì cho người tâm thần định kỳ 2 lần/tháng… Tất cả những hoạt động thiện nguyện này đều được duy trì suốt nhiều năm qua.
Gần đây nhất quán cơm Tình thương - Khát vọng trẻ đặt tại số 47/3A khu 2, tổ 10, ấp Thanh Hoá, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom cũng vừa bắt đầu hoạt động. Mỗi suất cơm 5.000 đồng, ai quá khó khăn sẽ tặng miễn phí bằng cách cấp thẻ ăn, ngoài ra, còn phục vụ những suất cơm cho những người vô gia cư tại Biên Hòa... Tết đến, cả xứ lại xúm xít với chương trình mang tên “1000 bánh chưng xanh cho người xa xứ”... Mỗi chương trình cha khởi xướng lại có đối tượng hưởng thụ và người thực hiện khác nhau. Công việc từ thiện xã hội không chỉ phục vụ được người nghèo, người có hoàn cảnh khó mà còn làm nảy nở tinh thần tương trợ, hiệp lực trong giáo xứ và lan ra bên ngoài như thành phố Biên Hòa, nhiều xã, huyện trong tỉnh Đồng Nai. Dù không phải chương trình nào cũng được nhận ngay sự ủng hộ song bằng nhiều nỗ lực cộng với cách thức tổ chức hiệu quả, mọi thứ dần dà trở nên suôn sẻ. Với vị mục tử này, điều cảm nhận rõ nét là: “Những tấm lòng đẹp vẫn còn rất nhiều chỉ cần có ai đó cho họ một “cái cớ” để bùng cháy lên...”.
Chín năm trong sứ vụ linh mục cũng là chín năm cha thể hiện được một chứng từ yêu thương nơi cộng đoàn Tây Hải gắn với tha nhân…
Minh Hải/Công Giáo và Dân Tộc
Tags:
Góc Tâm Hồn