Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trong ký ức và con tim

Rùa đi mua bia
Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục TGP.TPHCM vừa có Thư kêu gọi đóng góp cho việc trùng tu  nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn. Trước sự kiện này, nhiều người Công giáo đã có dịp bày tỏ tình cảm và sự quan tâm dành cho ngôi nhà thờ cổ kính.
Yêu mến một vẻ đẹp
Trương Nguyễn Khải Duy (Sinh viên ĐH.Khoa học Tự nhiên - TPHCM): Lần đầu tôi đến nhà thờ Đức Bà vào Giáng sinh cách đây ba năm. Ngày hôm đó với tôi rất đẹp vì được tham dự thánh lễ tại một nhà thờ cổ trong một bầu khí trang trọng và sốt sắng. Ngày còn nhỏ, tôi chỉ nghe về nhà thờ Đức Bà trong câu chuyện của người lớn. Hình ảnh về thánh đường cũng chỉ thấy trên báo, tivi một cách sơ sài mà thôi. Bây giờ được tận mắt nhìn từng góc cạnh, đường nét ngôi nhà thờ mẹ của TGP.TPHCM với tôi quả là một trải nghiệm thú vị. Tôi đặc biệt yêu thích những pho tượng lớn được sắp xếp dọc sát hai bên tường cũng như những chùm đèn cổ..., nghe đâu tất cả đều được đưa từ Pháp về. Trước lời kêu gọi ủng hộ cho việc trùng tu thánh đường, tôi nghĩ chắc sẽ có rất nhiều người ủng hộ vì lòng yêu mến vẻ đẹp của nó và vì đây còn là biểu tượng của giới Công giáo, của vùng đất Sài Gòn và còn là một nơi mong ước được đặt chân đến của những đứa trẻ Công giáo ở quê.

Giữ nét đẹp vốn có
Mai Công Minh (Q.8 - TP.HCM): Công trình xây dựng nào trải qua thời gian dài mà lại không hư cũ. Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, tôi “quen biết” với ngôi thánh đường này từ khi còn nhỏ. Hình ảnh nhà thờ in đậm trong ký ức bởi những lần cùng em gái đến đó chơi vào những ngày không phải đi học hay tham dự một buổi lễ đặc biệt nào đó. Tôi rất hy vọng việc trùng tu sắp tới có thể giữ lại những nét đẹp vốn tạo nên bản sắc riêng của một ngôi nhà thờ cổ nơi vùng đất Nam bộ, làm sao cho ký ức một thời không bị mất đi.

"Sống dài lâu"
Mai Đức Sơn (GX Gò Mây - Q. Bình Tân-TP.HCM): Hình ảnh nhà thờ Đức Bà vốn dĩ đã quá quen thuộc và gần gũi với người Sài Gòn nói chung và giáo dân nhà đạo nói riêng. Đây không chỉ là công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa sâu rộng mà còn là biểu trưng tự hào của người Công giáo. Khi ở độ tuổi thanh niên, tôi thường rất hay đến ngôi thánh đường này tham dự lễ Vọng Chúa Giáng Sinh lúc 12 giờ đêm vì các nhà thờ khác không có. Vẻ đẹp cổ kính, ánh đèn lung linh, những giai điệu nhạc Noel du dương và tiếng chuông ngân vang mãi để lại trong tôi hồi ức khó phai. Nay nhìn nhà thờ xuống cấp trầm trọng tôi rất buồn, nhưng trước thông tin giáo phận quyết định trùng tu nhà thờ Đức Bà, tôi nghĩ đây là hành động thiết thực, khẩn cấp để cứu chữa một di tích lâu đời, giàu ý nghĩa. Có vậy, thánh đường mới được bảo tồn dài lâu, tiếp tục “sống” giữa lòng phố thị và trong tâm hồn những thế hệ mai sau.

Như một phần ký ức trong tôi
Nguyễn Văn Hải (Q. 3 – TPHCM): Khi còn ở quê, mỗi lần nhắc tới Sài Gòn, hình tượng đầu tiên tôi nghĩ ngay đến là nhà thờ Đức Bà, chỉ mong một lần được đến, để cảm nhận và ngồi dự lễ trong ngôi thánh đường cổ kính nguy nga đó. Khi vô Sài Gòn trọ học, địa danh đầu tiên tôi tìm đến nơi thành phố phồn hoa này cũng là nhà thờ Đức Bà. Cảm nhận buổi đầu nay trong tôi vẫn còn y nguyên, sung sướng, hạnh phúc, hãnh diện... khó diễn tả bằng lời. Sau đó, tôi đã ngồi nơi công viên bên cạnh mấy tiếng đồng hồ mới chịu dời đi và những ngày cuối tuần về sau tôi đã tìm về dự các lễ Chúa nhật. Nhiều năm gắn bó với Sài Gòn, cuộc sống đã bận rộn khác xưa khiến những lần ghé đến nơi đây hiếm hoi hơn nhưng với tôi nhà thờ Đức Bà - một công trình biểu tượng cho TPHCM, luôn mang nhiều ý nghĩa... Nếu được trùng tu lại, tôi chỉ mong làm sao vẫn giữ lại những nét cổ kính, uy nghiêm để thế hệ trẻ sau này có được những rung động như tôi từng cảm nhận.

Ngôi nhà chung của đại gia đình giáo hữu
Ông Phêrô Nguyễn Văn Trà – Chủ tịch HĐMV GX Chánh tòa Sài Gòn: Năm 15 tuổi, tôi di cư từ Hải Phòng vào Sài Gòn sinh sống, từ đó đến nay, gia đình sống cạnh ngôi nhà thờ Đức Bà cổ kính. 60 năm qua, nhà thờ là nơi tôi dành nhiều thời gian gắn bó, sinh hoạt. Cảnh quan hai bên dù đã thay đổi nhiều nhưng nhà thờ thì vẫn cổ kính, đồ sộ, thân thiện... Dù đã đi đến nhiều nhà thờ khác trên đất nước Việt Nam, nhưng với tôi, nhà thờ Đức Bà vẫn có dấu ấn rất riêng biệt, khó trộn lẫn, và hơn hết, nơi đó đã ghi lại nhiều dấu ấn của cuộc đời. Còn nhớ như in, khi còn là cậu giúp lễ, vào những dịp lễ lớn như Giáng Sinh hay Phục Sinh, tôi với mấy người trèo lên tháp chuông, cạnh Thánh Giá để treo những băng rôn mừng lễ. Ngày đó, chưa có nhà cao tầng, chưa có khói xe cộ, đứng từ đây có thể nhìn thấy những núi lớn, núi nhỏ của biển Vũng Tàu…  cảm giác thật sung sướng biết bao.
30 năm nay, nằm trong Ban HĐMV giáo xứ, tôi được trực tiếp chứng kiến nhiều nét thăng trầm của nhà thờ, nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn nhỏ của Giáo hội Việt Nam. Vào những dịp phong chức Giám mục, linh mục hay đón các Đức Tổng Giám mục, nhà thờ như một ngôi nhà chung của đại gia đình giáo hữu. Ngày cử hành tang lễ cho Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, nhà thờ lại nép mình bên dòng người đông đảo, hòa chung không khí tang thương của đoàn con Chúa. Thánh đường cũng là nơi đón tiếp các Đức Hồng y Đại diện Tòa Thánh trong nhiều sự kiện tôn giáo, nhiều quan chức quốc tế đến tham quan… Những dịp đó tôi đều nằm trong Ban tổ chức nên cảm nhận rõ trách nhiệm và vinh dự. Giờ đây, tôi tham gia Ban Trùng tu nên hiểu được nhà thờ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, quá trình đại tu cũng sẽ kéo dài và tốn kém nên rất cần sự chung tay của nhiều người.

Chốn yên bình
Đoàn Thảo Vy (Q.Gò Vấp-TP.HCM): Khi còn nhỏ, ba mẹ hay dắt tôi đi lễ ở nhà thờ Đức Bà. Mỗi lần lễ, tôi đều ngắm nhìn cung thánh và các ô kính màu rất chăm chú. Đó là cả một khối kiến trúc đẹp, hài hòa. Đến bây giờ, mỗi khi cần tìm sự thanh thản, bình yên tôi đều ghé đến nhà thờ Đức Bà, ngồi ở phía dưới ghế cuối của thánh đường và ngắm nhìn những đường nét cổ điển. Và tôi đã bị mê mẩn vào nét kiến trúc ấy cùng một không khí ấm áp, thanh bình mà ngôi thánh đường mang lại. Cạnh bên tôi cũng có nhiều người tìm đến nhà thờ Đức Bà yên lặng ngắm nhìn và cầu nguyện. Có một lần, khi tôi học cấp 3 ở trường Trần Đại Nghĩa, trước một cuộc thi đội tuyển, tôi luôn ghé đến bên Đài Đức Mẹ để cầu nguyện. Đó là một trong những kỷ niệm khó quên trong tôi khi nhớ về ngôi thánh đường

Nguồn: Công Giáo và Dân Tộc
Previous Post Next Post