Cầu nguyện cho người đã khuất

rgfr
0
Theo truyền thống Công giáo, cầu nguyện cho các linh hồn là việc không thể thiếu, đó cũng là cách để người còn sống thể hiện tấm lòng, sự tưởng nhớ đối với người thân đã khuất.
Việc đọc kinh, cầu nguyện diễn ra nhiều nhất trong các gia đình khi có ai vừa mới qua đời. Sau khi chôn cất người quá cố xong, tang quyến thường tổ chức những buổi đọc kinh tối, mời các cộng đoàn trong giáo xứ và bà con lối xóm đến cùng hiệp thông. Chị Minh An (giáo xứ Hy Vọng – Tân Bình, TPHCM) hồi tưởng lại cách đây 10 năm, khi cha mình mất tại một xứ đạo ở quê, đã có ba buổi đọc kinh tối liên tiếp, quy tụ không chỉ các thành viên trong nhà mà còn có cả trăm người đến từ các hội đoàn trong xứ, bà con thân thuộc, hàng xóm láng giềng... “Sau ba tối đọc kinh cùng với người ngoài, các thành viên gia đình tôi lại tụ họp đọc kinh cho cha. Khi anh chị em tôi lên đường trở lại thành phố làm việc, mẹ tôi ở nhà vẫn duy trì việc cầu nguyện cho cha mỗi tối”, chị An chia sẻ. Chị cũng cho biết thêm, gia đình mình đã tổ chức giỗ 1 năm và 3 năm mãn tang cha. Trong hai lần giỗ đặc biệt này, cũng có đọc kinh tối với sự tham dự của nhiều người thân thuộc. Còn lại những lần giỗ khác hằng năm, chỉ có người trong nhà đọc kinh với nhau. Theo chị, việc đọc kinh, cầu nguyện như vậy không chỉ an ủi các linh hồn mà chính người trong cuộc cũng cảm thấy tâm hồn mình được bình an, thanh thản khi nhớ về các thân nhân đã khuất. Ngoài những buổi cầu nguyện đặc biệt trong các lần giỗ chạp, cũng như nhiều gia đình Công giáo khác, nhà chị An còn tập trung đọc kinh cho người quá cố ngay tại mộ phần vào mồng 2 Tết Nguyên Đán và dịp 2.11 hằng năm, sau khi dự thánh lễ tại nghĩa trang.“Thường thì mùng 2 Tết, gia đình tôi tụ họp đông đủ hơn là ngày 2.11. Nhưng dù ở xa, trong dịp này, mỗi cá nhân trong nhà đều hướng về với những lời cầu nguyện riêng của mình”, chị An nói.
Thánh lễ cầu cho các đẳng linh hồn tại một nghĩa trang thuộc giáo phận Ban Mê Thuột
Là một giáo dân vùng Gia Kiệm nhập cư ở Sài Gòn, chị Thanh Tâm không thể quên những buổi kinh tối tại quê nhà, nhất là trong tháng Mân Côi, luân phiên mỗi gia đình được khu xóm rước Đức Mẹ đến để cùng đọc kinh. Đây cũng là dịp cầu nguyện chung cho các linh hồn hoặc tùy vào ý xin của từng nhà cho người thân đã qua đời. Với gia đình chị Tâm, việc tưởng nhớ ông bà đã khuất chủ yếu là xin lễ ở nhà thờ vào các ngày giỗ và mỗi thành viên trong nhà đều góp phần. “Sau khi mãn tang ông bà rồi, gia đình tôi không tổ chức đám giỗ hằng năm mà vào ngày đó chỉ nhớ đến ông bà qua lời kinh nguyện và xin lễ...”, chị bộc bạch. Cũng như gia đình chị An, phần lớn anh chị em trong nhà Tâm giờ đây đều đi lập nghiệp phương xa nên ít có dịp quây quần đọc kinh chung mỗi tối. Dịp sum họp đầy đủ nhất để cùng cầu nguyện cho ông bà tổ tiên cũng chính là vào mồng 2 Tết hằng năm. “Ngoài những buổi kinh Mân Côi với khu xóm, má tôi vẫn đọc kinh tối một mình để cầu nguyện cho gia đình nói chung và cho ông bà tổ tiên đã khuất. Riêng tôi, sống ở thành phố với nhiều lo toan, nhiều mối quan tâm nhưng buổi tối tôi cũng dành mươi phút đọc vài kinh và cầu nguyện trước khi đi ngủ”, chị cho biết thêm.
Ở tuổi trung niên và sống độc thân, chị Trần Thị Luyện (giáo xứ Tân Thành – Tân Bình, TPHCM) lại có thói quen đọc kinh hằng ngày. Thường là lần chuỗi 50 kinh mỗi tối, còn hôm nào mệt, chị vẫn đọc 10 kinh cầu bình an cho bản thân, cho công ăn việc làm được suôn sẻ, và cũng không quên hướng tới cha mẹ, dù song thân mất đã lâu rồi. Trong niềm tin của mình, chị luôn nghĩ là các linh hồn rất khao khát được người còn sống đọc kinh cầu nguyện cho họ. “Tôi cảm thấy việc cầu nguyện hằng ngày rất có ý nghĩa. Với bản thân mình, tôi được bình an hơn, có một điểm tựa thiêng liêng để tìm về sau những mệt mỏi, chộn rộn với công việc. Còn khi cầu nguyện cho cha mẹ mình, tôi tin rằng, ở Nước Trời, linh hồn các ngài sẽ được thanh thản. Từ đó, lòng mình cũng thấy nhẹ nhàng...”, chị tâm sự.
Viếng và đọc kinh tại nhà hài cốt là hình ảnh quen thuộc ở nhiều xứ đạo Sài Gòn
Nhiều gia đình ở thành phố không có thói quen đọc kinh mỗi ngày nhưng vào những dịp giỗ chạp, họ vẫn luôn nhớ đến ông bà - cha mẹ, vợ/chồng đã khuất bằng việc xin lễ, đến nhà hài cốt ở giáo xứ để cầu nguyện. Gia đình anh Nguyễn Văn Năm (giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, quận 3 – TPHCM) cũng vậy. Khi mới qua đời, ba của anh được chôn ở nghĩa trang, rồi nơi này bị giải tỏa, gia đình đã đưa tro cốt ba về giáo xứ. Mỗi dịp mùng 2 Tết hay lễ cầu cho các linh hồn vào tháng 11 hằng năm, các thành viên gia đình đều rủ nhau đi lễ và viếng nhà hài cốt. Anh cho biết, thậm chí vào Chúa nhật mỗi tuần, anh chị em hay con cháu trong nhà đi lễ cũng hay tạt vào đây để đọc vài kinh cho ông... Gia đình chị Trần Uyên (giáo xứ Bàn Cờ, quận 3 – TPHCM) còn nhớ đến người cha quá cố vào cả những ngày lễ bổn mạng và sinh nhật ông.“Không đọc kinh chung tại gia đình nhưng những dịp này, chúng tôi cũng thường xin lễ cho ba ở nhà thờ”, chị Uyên chia sẻ. Gia đình chị cũng có “truyền thống” đến viếng nhà hài cốt vào Chúa nhật hằng tuần và những dịp lễ cầu cho ông bà tổ tiên vào mồng 2 Tết, 2.11...
Người Kitô hữu tin rằng, cầu nguyện cho người đã khuất ngoài sự tưởng nhớ hay bổn phận thảo hiếu, còn là việc bác ái để cứu rỗi các linh hồn, hay theo Công đồng Vatican II: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...” (GH 50). Xác tín rằng đó là “việc lành thánh” nên tiếng kinh, lời cầu nguyện càng trở nên ý nghĩa hơn trong đời sống của các gia đình Công giáo.

LIÊN GIANG - Báo Công Giáo và Dân Tộc

Post a Comment

0Comments
Post a Comment (0)