Dọn mìn ở dòng sông Chúa Giêsu chịu Phép Rửa

fbn
0
Tin mừng cho các tín hữu Kitô giáo toàn cầu : Sau hơn 50 năm, địa điểm linh thiêng, nơi Chúa Giêsu được Thánh Gioan Tẩy Giả rửa tội, sẽ trở lại danh sách hành hương của thế giới.
Một dự án dọn mìn đang được triển khai tại bờ sông Chúa Giêsu chịu Phép Rửa cách đây hơn 2.000 năm, hứa hẹn sẽ sớm mở cửa khu di tích quan trọng, cho phép người hành hương một lần nữa trở lại nơi này.
Vùng đất cấm
Tại Qasr Al- Yahud, Bờ Tây, cha Baret Yerezian, linh mục của nhà thờ Armenia tại Jerusalem nhớ lại thời mà ngài không phải bước qua cả cánh đồng đầy mìn để đến cầu nguyện tại nơi được cho là địa điểm Thánh Gioan Tẩy Giả làm Phép Rửa cho Chúa, nằm trên dòng sông là biên giới giữa Jordan-Israel. Tờ The Wall Street Journal dẫn lời cha kể: “Chúng tôi cứ đưa mọi người đến, cùng ngồi trên một xuồng nhỏ ra giữa dòng sông và cầu nguyện cho họ ngay tại đó. Khi ấy, mọi chuyện dễ dàng biết bao”. Quyền được tự do lui tới Đất Thánh đã bị tước đoạt suốt nửa thế kỷ qua, từ khi cha Yerezian vẫn còn là tu sĩ trẻ tuổi.
Tổng cộng có đến bảy nhà thờ của Kitô giáo được xây dựng tại nơi mà các tín hữu tin rằng nằm sát bên địa điểm Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bên bờ sông Jordan, nhưng toàn bộ đều bị vây quanh bởi hàng rào kẽm gai và chìm trong bãi mìn khoảng 5.000 quả. Đây là hậu quả của chiến tranh. Israel đã cố gắng kiểm soát khu vực này của Bờ Tây, được biết đến với cái tên Qasr al-Yahud (có nghĩa là “Con đường của người Do Thái”), từ tay Jordan trong cuộc chiến sáu ngày vào năm 1967. Lúc đó, chính quyền Tel Aviv đã cài dày đặc mìn dọc theo bờ sông Jordan với mục tiêu ngăn cản các đợt tấn công dọc theo biên giới. Cũng có lý do để quan ngại, vì đoạn này của sông Jordan có bề ngang khoảng vài mét, và bộ binh dễ dàng lội qua. Tuy nhiên, Israel đã ký hiệp ước hòa bình với Jordan vào năm 1994 và đoạn giới tuyến này trở nên yên bình suốt hơn 20 năm qua.
Đến năm 2011, Israel tổ chức dọn mìn ở một phần bờ sông, và kể từ đó nơi này trở thành địa điểm hành hương phổ biến của các tín hữu Kitô giáo. Giờ đây, cả chính quyền Jordan lẫn Israel đều đồng ý cho phép tổ chức dọn mìn HALO Trust tại Mỹ và Anh dọn sạch phần còn lại, khoảng 0,55 km2. HALO và các quan chức quốc phòng Israel ước tính khu vực này đang bị cắm hơn 5.000 mìn chống tăng và mìn sát thương, cũng như một số lượng không rõ các thiết bị nổ tự tạo. Kế hoạch là giải phóng toàn bộ khu vực khỏi nguy cơ bom mìn trong vòng hai năm.
Mang hòa bình trở lại Đất Thánh
Để đến được bờ sông linh thiêng, những người hành hương phải đi xuyên qua một thị trấn với những nhà thờ bị bỏ hoang, bên ngoài là hàng rào rỉ sét khóa chặt có treo bảng cấm ghi dòng chữ: “Nguy hiểm! Mìn!”, bằng nhiều thứ tiếng. Trong một buổi sáng gần đây, khoảng 150 người Kitô giáo Ethiopia trong trang phục áo choàng trắng, đã lội vào dòng sông lặp lại nghi lễ cách đây hơn 2.000 năm. Không khí rộn ràng như lễ hội, do những người tham gia đánh trống, ca hát và những hoạt động vui vẻ khác. Trên một cái bục gỗ sát bên, những tín đồ thuộc Chính Thống giáo Nga đang im lặng chờ đợi đến lượt mình. Gần đó, một linh mục dẫn đầu nhóm tín hữu Kitô giáo cùng hòa lời cầu nguyện. Và tất cả hoạt động này đều chỉ cách bãi mìn lớn vài trăm mét.
Sau khi dự án có kinh phí khoảng 5 triệu USD nói trên hoàn tất vào năm 2018, sẽ có tám phân nhánh của Kitô giáo đến được vùng đất chôn đầy mìn, một lần nữa mang lại sự sống và niềm tin vào tín ngưỡng tại các nhà thờ và tu viện tại đây. Lâu nay, giới chức Palestine luôn chỉ trích Israel đã cho phát triển các địa điểm du lịch trên vùng đất mà họ muốn xây dựng nhà nước tương lai. Thế nhưng, họ lại ủng hộ dự án trả lại sự an toàn cho Qasr al-Yahud. Phía Palestine, Israel và các giới chức tôn giáo tham gia vào dự án này bày tỏ sự hy vọng có thể gởi thông điệp rộng rãi về “lòng khoan dung tôn giáo” với việc giải phóng Đất Thánh. “Điều quan trọng nhất là cho phép người hành hương đến được nơi cầu nguyện”, theo đài CNN dẫn lời cha Noel Muscat, bề trên dòng Phanxicô ở nhà thờ Mộ Thánh tại Jerusalem.
Một số ý kiến chỉ trích đã kết tội chính quyền Israel quá chậm chạp trong việc dỡ bỏ mìn tại đây. Vào năm 2010, một cậu bé 11 tuổi, tên Daniel Yuval, đã mất một chân trong lúc chơi đùa trên tuyết với gia đình ở Cao nguyên Golan. Kể từ đó, Yuval quyết tâm vận động dọn mìn tại Israel.
LING LANG Báo Công Giáo và Dân Tộc

Post a Comment

0Comments
Post a Comment (0)