Tận Hiến cho ai?

rgfr
0
Tận Hiến Cho Ai? 
34. Sau đó, Mẹ có còn lập công trạng nào nữa không?
Sau khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, Mẹ còn ở lại thế gian ít lâu nữa. Trong quãng thời gian xa vắng người Con chí yêu này, quãng thời gian thật là cuộc tử đạo lâu dài đối với Mẹ, Mẹ nồng nhiệt khát khao tới thời giờ được kết hợp muôn đời với Con Mẹ. Mẹ yêu mến chấp nhận cuộc thử thách đau thương dài dặc ấy để làm trọn Thánh Ý Thiên Chúa và cộng tác vào việc xây dựng Hội Thánh ban đầu, nên Mẹ lập được không biết bao nhiêu  công trạng, đáng ân sủng cho ta. Những hành vi ấy, Mẹ càng làm với một ý hướng trong sạch, một tình yêu sốt sắng hăng nồng, chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa bao nhiêu, hợp nhất với Chúa Giêsu là nguồn mạch công trạng bao nhiêu, thì càng có khả năng lập công đáng ân sủng bấy nhiêu.
Thật ra, những công trạng ấy trước hết là Mẹ lập cho Mẹ, tăng thêm cái vốn ân sủng dư đầy và quyền lợi được vinh quang cho riêng Mẹ. Nhưng vì đã đồng công trong việc cứu chuộc, nên Mẹ cũng lập được công trạng tương hợp cho hết mọi người chúng ta. Và, nếu Mẹ đã đầy ân sủng cho Mẹ thì, theo lời thánh Bênađô, Mẹ đổ chan hòa phần đầy tràn vô biên của Mẹ cho chúng ta.
G. Mẹ là Gương Mẫu đường trọn lành
35. Trọn lành là gì?
Theo nghĩa thông thường thì trọn lành (hay hoàn thiện, hoàn hảo) là một phẩm tính tối cao của một vật, một triển nở đầy đủ, một tình trạng không còn thiếu hụt một chút gì cần có của nó. Ở đây, ta nói về sự trọn lành Kitô Giáo, nói khác đi là sự thánh thiện. Sự thánh thiện (trọn lành) này có nghĩa là tình trạng cao siêu nhất của đời sống theo tinh thần Chúa Kitô. Nó hệ ở đức mến yêu Thiên Chúa và yêu thương tha nhân vì Chúa và, do đó, hệ ở sự noi gương Chúa Kitô. Sự noi gương này đòi ta phải bỏ mình và phải hi sinh, phải tuân giữ các giới răn Thiên Chúa truyền (và hơn một bậc, là tuân giữ các lời khuyên của Phúc Âm, như trong bậc tu trì).
36. Có buộc mọi kitô hữu phải nên trọn lành không?
Phàm ai đã thụ tẩy gia nhập Hội Thánh đều buộc phải nên trọn lành theo nghĩa vừa nói trên. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố:"Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời" (Mt 5:48). Và thánh  Phaolô viết: "Thánh Ý Thiên Chúa là muốn cho anh em hết mọi người đều nên thánh" (1 Thes 4:3). Hội Thánh, qua lời Đức Piô XI, cũng tuyên ngôn: Đừng tưởng chỉ có một số nhỏ người ưu tuyển phải nên trọn lành, còn các tín hữu khác thì được ở lại một bậc kém hơn. Vậy buộc mọi kitô hữu phải nên trọn lành. Nhất là Công Đồng Vaticanô II đã dành hẳn chương Năm của hiến chế Lumen Gentium với nhan đề: "Lời kêu gọi mọi người nên thánh trong Giáo Hội"LG 39-42), câu kết của chương này là: "Vì thế, mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình. Bởi vậy, tất cả hãy lưu ý điều khiển tâm tình mình cho đúng đắn, để việc xử dụng của cải trần gian và lòng qưyến luyến sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Phúc âm, không cản trở họ theo đuổi đức ái trọn hảo, như lời Thánh Tông Đồ cảnh giác: ai sử dụng thế gian này, xin chớ dừng lại đó, vì cuộc diện đời này sẽ  qua đi (x. 1Cor 7:31, Bản Hy lạp)" (LG 42).
37. Mẹ Maria có phải là Gương Mẫu trọn lành của ta không?
Sau Chúa Giêsu, Gương Mẫu tuyệt hảo về đường trọn lành của ta, thì Mẹ Maria là Gương Mẫu đẹp đẽ nhất chúng ta có thể và phải bắt chước. Chính Chúa Thánh Thần đã căn cứ vào công nghiệp của Chúa Giêsu Con Mẹ mà làm cho Mẹ nên một bản sao sống động mọi nhân đức hoàn thiện của Con Mẹ. Không bao giờ Mẹ phạm một lỗi lầm mảy may tơ tóc nào; không bao giờ Mẹ chốnglại ân sủng. Mẹ hằng luôn luôn thực hiện lời "Xin Vâng" đúng từng nét; Mẹ luôn luôn tiến cao mãi trên đường mến yêu Thiên Chúa và yêu thương tha nhân theo gương Chúa Giêsu. Bao giờ Mẹ cũng từ bỏ mình, hi sinh rất mực, và không những Mẹ tuân giữ trọn vẹn các huấn giới Thiên Chúa truyền, mà cả các lời khuyên của Phúc Âm  một cách tỉ mỉ và quảng đại đến độ rất anh hùng. Thế nên, các thánh Giáo Phụ, đặc biệt là thánh Ambrosiô và thánh Giáo Hoàng Libêriô đã tuyên xưng Mẹ là gương mẫu trọn lành của hết mọi người Kitô Giáo mà ta phải noi theo để thực hiện (xem LG 63-65).
38. Xin kể cho biết mấy nhân đức gương mẫu của Mẹ Maria.
Vì khuôn khổ của bản giáo cương vắn gọn này, ta không thể kể ra được hết mọi nhân đức của Mẹ, nên chỉ xin nhắc lại mấy nhân đức cao cả của Mẹ mà Phúc Âm thuật lại :
1. Đức Tin mạnh mẽ, sâu xa của Mẹ từng làm Mẹ tin chắc chắn những sự việc lạ lùng mà sứ thần Gabriel nhân danh Thiên Chúa đã báo cho Mẹ. Đức Tin ấy, thánh nữ Isave, được Chúa Thánh Thần soi sáng, đã cao tiếng tuyên xưng là nhân đức làm cho Mẹ " có phúc" (Lc 1:45), nghĩa là vì tin mà Mẹ đã đáng được phúc hưởng kiến Thiên Chúa ngay từ đời này.
2. Đức Trinh Khiết trọn hảo của Mẹ đã tỏ ra khi đặt thắc mắc với sứ thần về cách thức thực hiện việc Mẹ chịu thai Ngôi Lời Nhập Thể, chứng tỏ ý chí Mẹ kiên quyết ở đồng trinh, cho dầu có vì đó mà không được làm Mẹ Thiên Chúa (Lc 1:34).
3. Đức Khiêm Nhượng thẳm sâu của Mẹ ngời sáng lúc Mẹ tỏ ra bối rối trước lời sứ thần chào mừng Mẹ (Lc1:29); lời Mẹ tuyên nhận mình là nữ tì khiêm hạ của Chúa (Lc1:38); và dầu khi đã biết mình là Mẹ Thiên Chúa rồi, Mẹ cũng vẫn còn xưng mình chỉ là nữ tì khiêm hèn của Chúa trong kinh Ngợi Khen (Lc1:48).
4. Đức Mến Chúa nồng nàn tha thiết vô biên của Mẹlàm Mẹ quảng đại nhận lĩnh tất cả những gian nan thử thách trong cuộc sống lâu dài của Mẹ, nhất là chấp nhận hiến tế Con Mẹ trên núi Canvê, và cuộc xa cách lâu dài với Con Mẹ sau khi Chúa về trời, cho tới ngày Mẹ tạ thế (số 33-34).
5. Đức Bác Ái bao la làm cho Mẹ luôn mau mắn sẵn sàng hy sinh giúp đỡ,  chia sẻ niềm vui, thông cảm  nỗi buồn của tha nhân, cho dù họ không xin  Mẹ trợ giúp (Lc l:39-40,56; Jn 2:3-5) .
6. Đức Tuân Phục trọn lành thánh thiện của Mẹ làm cho Mẹ trở nên như của lễ rất thơm tho dâng lên Chúa Cha qua lời "Xin Vâng" ngày Truyền Tin, dâng Con trong Đền Thánh, nhất là khi đứng bên Thánh giá Chúa Kitô (Lc 1:38; Lc 2:22-24; Jn 19:25).
7. Đức Khó Nghèo siêu thoát làm cho Mẹ nên giống hệt Chúa Giêsu, Con Mẹ, Đấng  tuy giầu có,  đã trở nên thiếu thốn vì chúng ta (xem 2Cor 8:9; Mt 8:20). Chúng ta phải công nhận: Mẹ đã sống một cuộc đời rất khốn khó bần cùng, rất kín đáo ẩn dật.
39. Mẹ có là Gương Mẫu dễ lôi cuốn không?
Mẹ Maria là một Gương Mẫu hết sức hoàn hảo của hết mọi nhân đức rất cao cả, mà đồng thời lại cũng rất dễ lôi cuốn chúng ta noi theo gương Mẹ. Mẹ Maria là một thụ tạo đơn thuần như hết thảy mọi người chúng ta. Mẹ là một người Chị của chúng ta trong đại gia đình nhân loại con cháu Adong Evà. Mẹ là một người mẹ chúng ta trong gia đình Hội Thánh Chúa Kitô. Ngắm nhìn Mẹ, chúng ta cảm thấy được thúc giục, được khuyến khích để bắt chước Mẹ, cho dầu chỉ là để chứng tỏ lòng chúng ta tri ân,  tôn kính, ca tụng và mến yêu Mẹ.
Mặt khác, Mẹ lại là Gương Mẫu rất dễ dàng bắt chước, ít là theo nghĩa Mẹ đã được thánh hóa trong một cuộc sống bình thường; trong sự chu toàn bổn phận của một thiếu nữ, một bà mẹ; trong việc săn sóc nội trợ; trong cuộc sống ẩn khuất; trong niềm vui cũng như nỗi buồn; trong hân hoan cũng như trong khi bị sỉ nhục, hạ giárất sâu sắc.
Cho nên chúng ta thật vững tâm bước vào đường tiến lên bậc trọn lành, khi chúng ta bắt chước Mẹ Maria: đó là phương tiện tốt nhất để bắt chước Chúa Giêsu và để xin Mẹ làm Đấng Trung Gian quyền thế cho chúng ta.
H. Mẹ là Trung Gian ban ân sủng
40. Trung gian nghĩa là gì?
Trung gian có nghĩa là đứng giữa để điều đình hòa giải giữa hai bên. Ở đây có nghĩa là Mẹ Maria đứng giữa Chúa Giêsu là Thiên Chúa Cứu Chuộc và chúng ta là những kẻ tội lỗi, để giao hòa chúng ta với Chúa Giêsu, xin cho chúng ta được ơn cứu rỗi và nên thánh.
41. Mẹ Maria là Trung Gian phổ quát ban ân sủng như thế nào?
Tước hiệu Mẹ Maria là "Trung Gian phổ quát ban mọi ân sủng" đã có từ xa xưa trong Hội Thánh. Thánh Bênađô đã từng viết: "Thánh Ý của Thiên Chúa là muốn ta được hết mọi ân sủng nhờ Đức Mẹ Maria". Ta cần minh xác ý nghĩa lời ấy của ngài. Quả thật, Mẹ Maria đã gián tiếp ban cho chúng ta hết mọi ân sủng khi ban cho chúng ta Chúa Giêsu là Nguyên Nhân lập nên công trạng đáng mọi ân sủng cho nhân loại (số 32-34). Nhưng theo giáo huấn càng ngày càng nhất trí trong Hội Thánh, thì không có một ân sủng nào được ban xuống cho loài người mà không trực tiếp được ban từ Mẹ Maria, nghĩa là nếu không có Mẹ can thiệp cầu xin cho. Cho nên ở đây ta có ý tuyên nhận rằng Mẹ Maria là Trung Gian trực tiếp, phổ quát, nhưng tuỳ thuộc hoàn toàn vào sự Trung Gian duy nhất của Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể (xem LG 62).
42. Xin nói rõ thêm về giáo lý này.
Theo một số nhà thần học, chúng ta được biết: "Thể chế hiện tại của những điều Thiên Chúa đã quyết định là  hết mọi ân huệ siêu nhiên ban xuống cho trần gian đều được ban qua sự cộng tác của ba ý muốn, và không một ân huệ nào được ban cách khác. Trước hết, đó là ý muốn của Thiên Chúa Cha muốn ban xuống hết mọi ân sủng. Thứ đến là ý muốn của Chúa Giêsu, Đấng Trung Gian duy nhất lập công đáng mọi ân sủng chiếu theo lẽ công bằng (tương đáng), do chính mình Người. Sau hết là ý muốn của Mẹ Maria, Đấng Trung Gian tùy thuộc nhưng trực tiếp, đã lập công đáng mọi ân sủng và xin được mọi ơn hoàn toàn theo lẽ tương hợp (hợp lẽ) nhờ Chúa Kitô". Sự Trung Gian tùy thuộc này của Mẹ là trung gian trực tiếp theo nghĩa là, đối với bất cứ ơn nào Thiên Chúa ban, Mẹ cũng cầu bầu can thiệp vì công trạng Mẹ đã lập khi còn ở trần gian, hoặc vì lời Mẹ cầu xin ngay lúc này  và trong trường hợp này. Nhưng điều đó không cần thiết buộc người lĩnh nhận các ơn ấy phải cầu xin Mẹ trước, vì Mẹ có thể cầu bầu cả khi người ta chưa cầu xin Mẹ. Sự trung gian của Mẹ lại phổ quát, nghĩa là Mẹ xin được tất cả mọi ơn ban cho loài người ngay từ sau khi Adong sa ngã. Sự trung gian ấy tùy thuộc sự trung gian của Chúa Kitô, vì chỉ nhờ Con chí thánh Mẹ là Đấng Cứu Thế, Mẹ mới có thể lập công đáng được các ơn ấy. Như vậy, sự trung gian của Mẹ Maria càng làm rạng tỏ hơn  sự trung gian cao quí và phong phú của Chúa Kitô, Đấng Trung  Gian duy nhất.
43. Thái độ của Hội Thánh đối với giáo lý trên như thế nào?
Hội Thánh, qua giáo huấn thường quyền của các vị Giáo Hoàng, đã tuyên nhận Mẹ Maria là Mẹ Trung Gian, như Đức Lêô XIII, Đức Thánh Piô X, Đức Bênêđitô XV, Đức Piô XI, Đức Piô XII . . .  Nhất là Thánh Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh, đã xác nhận:"Vai trò tùy thuộc ấy của Đức Maria, Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng, mà luôn nghiệm thấy, vànhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Ngài, họ gắn bó mật thiết hơn với Đấng Trung Gian và Cứu Thế (LG 62).
I. Nữ Vương các tâm hồn.
44. Tâm hồn ở đây hiểu thế nào?
Theo Thánh Kinh và tiếng dùng của Hội Thánh, thì tâm hồn có nhiều nghĩa. Nhưng ở đây ta chỉ chú ý đến một vài ý nghĩa liên hệ đến vấn đề của chúng ta là việc tận hiến. Trước hết, tâm hồn ở đây hiểu là toàn bộ nội tâm của con người, gồm có tư tuởng, ước mong và ý muốn. Thứ đến, tâm hồn ở đây hiểu là chính trung tâm tình yêu của con người. Chính nghĩa này là nghĩa ta cần lưu ý nhất .
45. Tại sao Mẹ Maria lại là Nữ Vương tâm hồn ta?
Như ta đã thấy ở các đoạn trên, Mẹ Maria được Thiên Chúa đặc biệt chọn làm Mẹ Chúa Giêsu, làm Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, làm Đấng Trung Gian ban phát mọi ân sủng v.v...   Mà Chúa Giêsu, vì là Thiên Chúa và do ơn Cứu Chuộc của Người, Người là Vua tâm hồn ta, Người có quyền ngự trị ở nơi trọng nhất trong tâm hồn ta, trong trái tim ta. Nên Mẹ Maria cũng được đặt làm Nữ Vương tâm hồn ta, ngự trị nơi trọng nhất trong tâm hồn ta, trong trái tim ta cùng với Chúa Giêsu, Con chí thánh của Mẹ.
46. Mẹ Maria là Nữ Vương tâm hồn ta thế nào?
Đối với chúng ta, Vương Quốc của Mẹ Maria là phương tiện để thiết lập Vương Quốc của Chúa Giêsu, của Thiên Chúa, một Vương Quốc  ở trong tâm hồn ta (Lc 17:21), trong các tài năng nội tại của ta. Phương tiện nào cũng phải nhằm theo mục đích. Cho nên Vương Quyền của Mẹ Maria cũng nhằm theo Vương Quyền của Chúa Giêsu, của Thiên Chúa trong tâm hồn ta. Như thế, Mẹ cũng là Nữ Vương tâm hồn ta và hết mọi tâm hồn, để dễ dàng đónrước Chúa Giêsu vào làm Vua ngự trị trong đó.
47. Vương Quyền của Mẹ Maria có tính cách nào?
"Thiên Chúa là Tình yêu" (1 Jn 4:8), cho nên Vương Quốc của Người  là Vương Quốc Tình Yêu, nghĩa là Người lập Vương Quốc của Người trong tâm hồn ta để bày tỏ Tình yêu đối với ta. Mẹ Maria vì là Mẹ Thiên Chúa Tình yêu, là Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể vì yêu nhân loại (Jn 3:16), và là Bạn chí ái Chúa Thánh Thần (x. Lc 1:35), nên Vương Quyền của Mẹ cũng chỉ có tính cách " yêu thương": yêu thương các linh hồn sẵn sàng đón mời Mẹ vào ngự trị, nhất là yêu thương đặc biệt các linh hồn tình nguyện tận hiến cho  Trái Tim Mẹ.
48. Mẹ Maria hoạt động thể nào với tư cách là Nữ Vương các tâm hồn?
Với tư cách là Nữ Vương các tâm hồn, trước hết, Mẹ Maria chiếm ngự các tâm hồn để làm cho họ trở nên công dân của một Vương Quốc yêu thương, một Vương Quốc mà hiến pháp là đức mến, khiến cho hết mọi công dân  chỉ còn là những tâm hồn yêu mến Thiên Chúa và mến thương tha nhân hết lòng, loại bỏ mọi ảnh hưởng của thần dữ hận thù, ghen ghét, tối tăm. Thứ đến, với hiến pháp đức mến đó, Mẹ thánh hóa hết mọi công dân trong nước của Mẹ bằng ân sủng Chúa Giêsu đã lập và ủy thác cho Mẹ ban phát, cũng như bằng chính ân sủng Mẹ lập được cách tương hợp như đã thấy ở trên (số 32-34). Tất nhiên, với tâm hồn nào tự nguyện tận hiến cho Trái Tim Đồng Công Trinh Vương của Mẹ, Mẹ sẽ đặc biệt chú ý thánh hóa họ, với nhiều chăm sóc ưu ái hơn, nhiều tình yêu nồng mặn đậm đà hơn, nhiều quyền lực vững mạnh uy thế hơn, khiến cho ba thù là xác thịt, thế gian và ma quỉ không có thế dễ dàng xâm lấn, làm hại tâm hồn đó được.
J. Tận hiến cho Trái Tim  Mẹ
49. Những lý do trên đã đủ để ta tận hiến cho Trái Tim  Mẹ Maria chưa?
Đối với những linh hồn có thiện chí sống đạo  một cách đứng đắn, ngoan ngoãn với ơn Chúa thúc giục bề trong, ước ao nên thánh  thật, thì những lý do nói trên đã quá đủ để họ tình nguyện tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria rồi. Tuy nhiên, cũng còn một ít lý do khác nữa để phấn khích ta hoan hỉ tận hiến cho Trái Tim Mẹ.
50. Những lý do ấy là những lý do nào?
Các thánh và Hội Thánh đã dâng tặng Trái Tim Mẹ Maria rất nhiều tước hiệu. Mỗi tước hiệu ấy là một lý do để ta tận hiến cho Trái Tim Mẹ. Nhưng ở đây ta chỉ nêu ra một ít lý do sau: Trái Tim thể chất của Mẹ là thành phần cao quí của Mẹ; Trái Tim Mẹ là trung tâm tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân; Trái Tim Mẹ đã cung cấp chất liệu làm nên Thân Xác Chúa Giêsu; Trái Tim Mẹ kết hợp với Chúa Thánh Thần nên một căn nguyên thánh hóa duy nhất; Chúa Giêsu muốn tiếp tục yêu mến Mẹ Người ở đời này bằng trái tim hèn mọn ta; Việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria có tính cách tương tự việc tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu; Chính Mẹ muốn ta tận hiến cho Trái Tim Mẹ và Hội Thánh từng khuyến khích việc tận hiến này.
51. Trái Tim Mẹ Maria là thành phần cao quí của Mẹ như thế nào?
Chúng ta biết trái tim là cơ thể rất quan trọng trong bào thai con người. Chính nó làm cho bào thai sống động và lớn lên. Đối với Mẹ Maria, Trái Tim Mẹ không những là thành phần cao quí theo nghĩa trên, mà còn vì được thánh hóa do đặc ân Vô Nhiễm  nguyên tội Thiên Chúa đã ban cho Mẹ ngay từ lúc vừa được phôi dựng (số 11-14). Vì thế, khi tận hiến cho Trái Tim Mẹ, ta được dự phần ngay vào nguồn ơn phúc bao la vô tận của Trái Tim Vô Nhiễm tội Mẹ .
52.Trái Tim Mẹ Maria là trung tâm lòng mến như thế nào?
Phàm bất cứ trái tim của người nào cũng là trung tâm tình yêu của họ. Trái Tim Mẹ Maria, vì là Trái Tim Vô Nhiễm, nên chỉ yêu mến Chúa và yêu thương loài người bằng một tình yêu thiết tha hơn hết, nồng nhiệt hơn hết mọi loài thụ tạo. Đặc biệt hơn nữa, từ ngày Mẹ thưa "Xin Vâng" nhận sứ mạng làm Mẹ Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần là Tình Yêu bản thể của Thiên Chúa đã đến chiếm ngự  hoàn toàn Trái Tim  Mẹ, khiến cho từ giây phút đó, Trái Tim Mẹ chỉ còn là một lò lửa hằng bừng cháy ngọn lửa mến Chúa yêu người. Khi tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria, ta được dự phần vào lò lửa mến ấy của Trái Tim Mẹ để mến yêu Thiên Chúa và tha nhân hơn lên mãi.
53. Trái Tim Mẹ Maria làm nên Thân Xác Chúa Giêsu như thế nào?
Ta đã biết, Mẹ Maria chịu thai Chúa Giêsu không theo lối thường người ta, song do phép Chúa Thánh Thần. Khi Mẹ thưa lời "Xin Vâng"  ngày Truyền Tin, Chúa Thánh Thần đã lấy Máu trong Trái Tim Mẹ làm nên một Thân Xác để Ngôi Lời nhập thể. Như vậy, nhờ có Máu rất thanh  sạch ấy, ta mới được ơn Cứu Chuộc, mới được có Hội Thánh, có các nhiệm tích, nhất là nhiệm tích Thánh Thể nuôi linh hồn ta hằng ngày . . .  Cho nên, khi tận hiến cho Trái Tim Mẹ, ta được Mẹ biến hóa ta chóng nên một "Giêsu" khác, một chi thể cao vượt trong nhiệm thể Hội Thánh.
54. Trái Tim Mẹ Maria là căn nguyên thánh hóa như thế nào?
Tình thương Thiên Chúa đã chọn "Trái Tim Mẹ làm khuôn mẫu, làm lò hun đúc hình tượng Chúa Giêsu trong các linh hồn, nên Chúa Ngôi Ba là Thánh Thần, chính căn nguyên đào tạo thánh thiện, đã chấp nhận Mẹ làm Bạn thật tâm huyết, Bạn thật chí tình chí ái, đã thông trót mình ra cho Mẹ, đã đem chính lò lửa yêu mến của Chúa Ba Ngôi vào thay thếTrái Tim Mẹ".Đó là một kết hợp lạ lùng: "Trái Tim Mẹ và Chúa Thánh Thần đã hóa nên một nguyên lý duy nhất để đào tạo các giáo hữu, sinh sản các linh hồn thánh thiện". (Trích trong Kinh Tuần Bảy kính Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria, Ngày Thứ Bảy, của Cha Đaminh Thánh Giá). Vì thế, theo thánh Luy Mônpho, ai tận hiến mình cho Trái Tim Mẹ Maria thì Chúa Thánh Thần liền vội vã đến thánh hóa họ ngay.
55. Chúa Giêsu muốn ta nối tiếp tình yêu Người yêu mến Mẹ Maria như thế nào?
Đây là ý kiến thánh Gioan Ôđô (quen gọi là Euđê): Chúa Giêsu là Đầu Hội Thánh đã yêu mến Mẹ Maria rất chí thiết, đến nỗi Thánh Tâm Chúa và Khiết Tâm Mẹ đã hoà nên một ngôi vị tinh thần duy nhất. Chúa hằng san sẻ mọi sự, nhất là tình yêu của Thánh Tâm Người cho ta, để ta nối tiếp yêu mến Mẹ ở đời này cùng với Người. Cũng theo thánh Gioan Ôđô, việc hoàn hảo nhất, hiệu nghiệm nhất làm cho Chúa biến hóa ta nên Thánh Tâm Người là ta theo gương Người, tận hiến cho Khiết Tâm Mẹ để yêu mến Chúa, rồi lại tan hòa vào Thánh Tâm Chúa để yêu mến Mẹ.
56. Tận hiến cho Khiết Tâm Mẹ Maria tương tự như  tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu thế nào?
Căn cứ vào giáo lý của Đức Lêô XIII trong việc tận hiến loài người cho Thánh Tâm Chúa (đêm 31.12.1899 rạng 1.1.1900), các nhà thần học ngày nay nhất trí nhận rằng: việc tận hiến cho Khiết Tâm Mẹ tương tự như việc tận hiến cho Thánh Tâm Chúa ở nền tảng,  ý nghĩa và hiệu quả: nền tảng đó là Vương Quyền phổ quát của Chúa và của Mẹ trên mọi thụ tạo; ý nghĩa đó là Chúa và Mẹ đều có quyền đòi ta tự nguyện tận hiến cho Chúa, cho Mẹ như cho một vị Hoàng Đế, một vị Nữ Vương; và hiệu quả đó là việc tận hiến cho Thánh Tâm Chúa cũng như cho Khiết Tâm Mẹ sản ra muôn ơn phúc lành cho cá nhân, gia đình, quốc gia, Hội Thánh và cả loài người.
57. Mẹ Maria muốn và Hội Thánh khuyến khích việc Tận hiến cho Trái Tim Mẹ thế nào?
Năm 1917, khi hiện ra ở Fatima, Mẹ Maria đã khẩn khoản xin dâng hiến loài người và từng cá nhân cho Trái Tim Mẹ. Qua nhiều điều tra thật nghiêm cẩn, Toà Thánh đã xác nhận lời xin đó thật là của Mẹ, nên Đức Piô XII đã dâng loài người cho Trái Tim Đức Mẹ vào những ngày 31.10.1942, 8.12.1942, và 7.7.1952. Đức Phaolô VI thực hiện việc hiến dâng ấy ngày 21.11.1964 sau khi công bố Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Đồng Vaticanô II. Ngày 13.5.1982, Đức Gioan Phaolô II đã sang Fatima long trọng hiến dâng thế giới cho Trái Tim Mẹ với sự tham dự của gần hai triệu người hoan hô nhiệt liệt. Ngày 25.3.1984, Ngài lại kêu gọi toàn thể hàng Giám Mục hoàn cầu cùng với Ngài hiến dâng thế giới một lần nữa cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ .
Đi đôi với việc hiến dâng ấy, các vị Giáo Hoàng trên còn rất nhiều lần khuyến khích việc tận hiến từng cá nhân, từng gia đình, từng giáo phận, từng quốc gia, dân tộc cho Trái Tim Mẹ. Đã có hàng triệu người và nhiều nước trên thế giới tận hiến cho Trái Tim Mẹ. Ở đây chỉ xin nhắc lại đại ý  lời Đức Gioan Phaolô II nói ngày 13.5.1982 tại Fatima: "Tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria là đến gần chính nguồn mạch sự sống vọt lên từ đồi Canvê. Tận hiến cho Trái Tim Mẹ là trở lại chân thánh giá của Con Mẹ, để lên tới chính nguồn cứu chuộc. Tận hiến cho Trái Tim Mẹ là nhờ Mẹ tận hiến cho Thiên Chúa, Đấng vô cùng thánh thiện".
Không cần phải dài lời thêm, những lý do ta vừa đọc trên thật đã quá đủ để chúng ta tình nguyện tận hiến cho Trái Tim  Mẹ Maria.

Post a Comment

0Comments
Post a Comment (0)