Khôn như rắn và hiền lành như bồ câu

rgfr
0
Lời giáo huấn của Chúa Giêsu hôm nay, gây thắc mắc cho nhiều người. Bởi Ngài nói: "Anh em hãy ở khôn như rắn và đơn sơ như chim bồ câu ''  (M.10,16b).

  Thông thường, khi nói đến rắn là mọi người nghĩ ngay đến sự xảo quyệt, mưu mô, dối trá (hình ảnh của Satan). Vậy mà Chúa lại bảo phải khôn như rắn, thì ta phải hiểu câu này trong bối cảnh: Chúa sai các Tông đồ ra đi loan báo Tin mừng

 Và mục đích việc loan báo Tin mừng, là nói với thế giới: hãy trở về với Thiên Chúa được khởi đi từ lời cầu nguyện, họ sẽ được Chúa thứ tha (Bđ1: Hôsê.14,2-4), thì mới có thể cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa (Đáp ca: Tv.51/50,17). Vì không có thần nào cứu chúng ta ngoại trừ Thiên Chúa: "Dưới gầm trời này, ngoài Danh Chúa Giêsu Kitô, không có danh nào khác mang lại cho chúng ta ơn cứu độ" (Cv.4,12). 

 Do đó: ' "Chỉ có mình Thiên Chúa làm cho anh em sống trung tín và Ngài yêu thương ở cùng anh em, Ngài làm cho anh em vươn lên như khóm huệ tươi tốt, như cây ôliu tỏa hương thơm ngát và Ngài làm cho cuộc đời anh em hồi sinh như lúa miến đồng ruộng, tựa vườn nho anh em sẽ sinh sôi nảy nở, danh tiếng lẫy lừng như rượu Libăng ''(BĐ1: Hôsê.14,5-8).

 Như thế, sứ mệnh làm Tông đồ cho Chúa là làm cho mọi người trở về với Chúa, tin vào Chúa, trông cậy vào Chúa để được Chúa nâng đỡ, chở che. Vì ngoài Chúa ra thì nhân loại chỉ là khổ nhục, đau thương và thất bại (Ga.15,5). 

 Tuy nhiên, sứ mệnh tuy cao cả như thế, nhưng lại không gặp may mắn, chính Chúa báo trước: '' Thầy sai anh em đi, như chiên đi vào giữa bầy sói '' (Mt.10,16a). Chiên đi giữa bầy sói thì không thể an toàn được.

 Chúa nói đến sói, chính là kẻ ngoại thù và nội thù của chúng ta. Bởi Ngài nói tiếp:

  •  
    • Kẻ ngoại thù: "Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại '' (Mt.10,17-18). 
Thế nhưng, kẻ ngoại thù không đáng sợ, vì Chúa hứa ban Thánh Thần để bảo vệ chúng ta: "Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói gì, vì trong giờ đó Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em '' (Mt.10,19-20). 

 Quả thật, dù có bị bách hại, bị khổ vì Danh Chúa Giêsu, thì đó cũng chỉ để tôi luyện đức tin của chúng ta, như thánh Phaolô nói: "Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại, sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời '' (2Cr.4,16-17).

  •  
    • Kẻ nội thù: Tệ hơn, kẻ thù của mình chính là người nhà. Chúa nói: "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì Danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét '' (Mt.10,21-22a). Như thế, Chúa đến làm cho gia đình xáo trộn và chia rẽ, để làm tôn vinh Chúa sao? 
Với câu này của Chúa, thì chúng ta không hiểu theo nghĩa nhân bản, nhưng phải hiểu theo nghĩa đức tin. Nghĩa là: "Tư tưởng của Thiên Chúa luôn nghịch với tư tưởng của con người, nhất là trong những chuyện quan trọng '' (Is.55,8). Cũng có nghĩa là khi chúng ta thuộc về Chúa, biết ý Chúa thì phải đem ra thi hành, dù điều đó nghịch với lý trí của con người. Đan cử:
  • Chúa bảo ông Apraham giết con một của mình, để tế lễ cho Thiên Chúa, đây quả là một chuyện độc ác và nghịch với lý trí của một người cha yêu con. Nhưng đó chỉ là Chúa thử lòng tin của Apraham đối với Chúa mà thôi. Quả thật, Apraham đã tuyệt đối tin tưởng và thi hành Lời Chúa muốn mà không do dự, phân vân. Và Chúa đã không để cho con ông phải chết, mà còn ban cho dòng giống của ông đông như sao trên trời, như cát bãi biển (St.22,1-19).
  • Hoặc một người được sinh ra trong một gia đình theo Đạo Phật, đã được cha mẹ đưa vào Chùa để quy y (quan trọng như người Công giáo lãnh Bí tích Thánh Tẩy). Thế nhưng, khi lớn lên, người này được học Giáo lý Công giáo và nhận ra rằng: ngoài Chúa Giêsu không ai có thể cứu anh ta. Thế là, anh ta quyết chí theo Đạo Công giáo, chắc chắn anh ta sẽ bị người đời và nhất là người trong gia đình, kết án là đứa con bất hiếu.
  • Hay trong một gia đình Công giáo, chồng rất tha thiết tham dự Thánh Lễ mỗi ngày, vợ thì lười rất ít tham dự Thánh Lễ. Người chồng thường xuyên nhắc nhở vợ về chuyện này, nếu người vợ không ý thức nuôi dưỡng mình bằng đức tin, thì chắc chắn vợ chồng sẽ bất hòa, gây gổ.
Rõ ràng, khi biết Chúa, tin Chúa, theo Chúa thì gây bất hòa, xáo trộn trong gia đình. Nhưng nếu can đảm chấp nhận nó, thì Chúa hứa  '' Ai bền chí đến cùng, người ấy mới được cứu độ '' (Mt.10,22b).

Có một điều khác biệt giữa kẻ ngoại thù và nội thù:
  • Khi phải đối diện với vua chúa, quan quyền (ngoại thù) vì Danh Chúa, thì Chúa hứa ban Thánh Thần cho chúng ta.
  • Còn khi trong gia đình (nội thù) có chuyện bất hòa, chia rẽ thì Chúa lại không hứa ban Thánh Thần, để ta đấu khẩu với nhau, mà Ngài chỉ im lặng.
Có nghĩa là khi đối diện với mọi sự bách hại vì Chúa, thì chúng ta đừng lo lắng, sợ hãi. Còn khi đối diện với sự bất hòa trong gia đình, thì hãy im lặng và cầu nguyện, để chính Chúa biến đổi và ban ơn cho gia đình mình, không nên gây gổ, rồi đưa nhau ra tòa án đời, chỉ tạo gương mù gương xấu mà thôi.

 Thánh Gioan Kim khẩu, khi suy gẫm về cuộc đời, đã nói: "Khi chúng ta là chiên thì chúng ta sẽ thắng; khi chúng ta là sói thì chúng ta sẽ thua '' Bởi vì, Chúa chỉ chăn chiên, chứ Chúa không chăn sói
Nên: 

  • Khi chúng ta là sói, thì Chúa không bênh đỡ chúng ta, bởi Chúa chăn chiên. Chắc chắn chúng ta sẽ thua, vì ở đời này dù có hung ác cỡ nào, thì cũng bị tiêu diệt: "Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn".
  • Khi chúng ta là chiên, thì có Chúa chăm sóc và bảo vệ, bởi Chúa là Mục tử nhân lành luôn đi trước chiên (Ga.10.11). Chắc chắn chúng ta sẽ thắng, dù phải đối diện biết bao điều ác ở đời này. Không những thế, Ngài còn làm cho chúng ta hùng mạnh như sư tử, để chúng ta biểu dương sức mạnh và quyền năng của Đức Chúa Trời. Như thánh Phaolô nói: "Tôi vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi, vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh ''  (2Cr.12,9).
2/. Trong cái nhìn đức tin, thì chúng ta sống được là nhờ:
  • Đức tin: "Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống" (Rm.1,17).
  • Lòng mến: "Bộ ba Tin - Cậy - Mến, thì Mến quan trọng hơn cả" (1Cr.13,13).
Vậy đức tin chính là lý trí, là cái đầu của chúng ta; còn lòng mến chính là trái tim của chúng ta. Đây là hai cơ năng quan trọng trong cơ thể con người, vì thiếu lý trí người ta sẽ bị điên loạn, và thiếu quả tim thì người ta không thể thở được. 

 Cụ thể, các Thánh Tử Đạo bởi lòng mến đối với Thiên Chúa, các Ngài bằng lòng mất mạng, chứ không để mất đức tin. 

 Cũng như con rắn, khi nó bị tấn công và biết rằng không thể thắng đối phương, thì nó tìm hốc đá hoặc hốc cây để giấu đầu đi, vì dù nó có bị đứt đuôi hay gãy xương sống, mà không mất đầu thì nó vẫn sống và từ từ sẽ mọc lại đuôi khác. Rắn còn được biểu tượng cho lòng cương trực.

 Chúa còn dùng hình ảnh đối nghịch với rắn đó là chim câu. Bởi chim câu là biểu tượng cho hòa bình, vì hòa bình là kết quả của sự hiền hòa, của sự trung tín. 

  • Trong các loài động vật Chúa tạo dựng, thì chỉ có chim câu khi chúng đẻ trứng luôn luôn là 2 trứng và khi nở luôn luôn là một con trống, một con mái. Hai con này lớn lên sẽ kết bạn với nhau, khi một trong 2 con chết, con còn lại sống một mình cho đến chết, không kết bạn với con khác nữa.
  • Và một đặc tính nữa là chim câu rất hiền, khi bị tấn công nó bay đi, chứ không bao giờ tấn công lại.
Như thế, Chúa dùng hình ảnh chim câu, là Chúa muốn Tông đồ của Ngài không báo thù và luôn trung tín. Chim câu còn biểu tượng cho sự khiêm nhu.

 Chúng ta thấy trên võ đài, các võ sĩ có lúc họ phải dùng thế cương, có lúc họ lại dùng thế nhu để ra đòn hạ đối phương. Đó là lý do mà Chúa muốn Tông đồ của Ngài phải: "Khôn như rắn và hiền như chim câu" (Mt.10,16b).

TÓM LẠI: 

 Khi bị tấn công về đức tin, thì chúng ta phải sống cương trực, can đảm, không sợ hãi để không mất đức tin (Rắn). Và phải biết tha thứ, hiền hòa, chịu đựng, tin tưởng tuyệt đối vào Chúa (Chim câu). Vì biết rằng dẫu có gặp đau khổ, gian truân thì đó cũng chỉ là thử thách, Chúa dùng để tôi luyện đức tin của chúng ta và Chúa sẽ biến thành vinh quang cho chúng ta (2Cr.4,16-17).

chua_day_do_01 Và vì thế, mà Chúa nói tiếp: "Anh em chưa đi hết các thành của Israel, thì Con Người đã đến" (Mt.10,23b). Nghĩa là, khi Ngài bị bắt và bị giết chết thì các Tông đồ sợ hãi, không dám rao giảng về Chúa nữa. Thậm chí, trốn trong phòng không dám ra ngoài, dù biết phải thi hành sứ mệnh Chúa đã trao phó. Khi các ông chưa đi hết các thành của Israel vì còn sợ hãi như thế, thì Chúa đã sống lại. Và ban cho các ông Thánh Thần, để các ông can đảm mà đi làm chứng cho Tin mừng (Cv.2).

 Như vậy, một người vừa có lập trường, có bản lĩnh (khôn như rắn)vừa biết tha thứ, hiền hòa, chịu đựng và nhường nhịn (hiền như chim câu), thì mới xứng đáng làm Tông đồ cho Chúa, xứng đáng loan báo Tin mừng cứu độ cho nhân loại.

Blog tinhyeu-vobien

Post a Comment

0Comments
Post a Comment (0)