Headlines
CN Phục Sinh: Chúa Phục Sinh, Chúa Hằng Sống

CN Phục Sinh: Chúa Phục Sinh, Chúa Hằng Sống

Cuốn phim the Passion of the Christ của Mel Gibson đã trở thành cuốn phim bàn tán rất sôi nổi trong mấy tháng qua trên toàn thế giới và cũng là cuốn phim đã lôi cuốn thật nhiều người xem, đã đem nhiều lợi ích thiêng liêng đến cho rất nhiều người trong Mùa Chay Thánh. Một bạn trẻ đã tâm sự với tôi rằng, “đáng lẽ thì mỗi tối Thứ Sáu trong Mùa Chay tôi tới nhà thờ để cầu nguyện và suy ngắm đàng thánh giá. Nhưng tôi thấy xem cuốn phim Passion của Gibson làm tôi thật cảm động nên tôi đã đi xem phim này vào mỗi ngày Thứ Sáu trong suốt Mùa Chay năm nay để tôi có dịp suy ngắm những đàng thánh giá của Chúa một cách sống động hơn.”
Có người đã góp ý rằng giá Mel Gibson làm nổi bật cái biến cố Phục Sinh hơn qua những lần Chúa hiện ra với các phụ nữ và tông đồ, và đem lại cho họ những vui mừng, bình an, phấn khởi mới mẻ trong cuộc sống thì cuốn phim sẽ tuyệt vời hơn nhiều, vì nó liên kết mầu nhiệm đau khổ và Phục Sinh rõ ràng hơn.
Ý Nghĩa Phục Sinh
Thánh Phaolô nói rằng: “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa cả những người an nghỉ trong Chúa Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1Cor. 15,17-19).
Thật thế, nếu Chúa đã không sống lại thì chúng ta thật là những người đáng thương vì những đau khổ và cái chết của chúng ta chẳng cho chúng ta một hy vọng gì. Nhưng Thánh Phaolô cũng như Maria Madalêna, Phêrô và Gioan mà Phúc Âm nói đến hôm nay đều làm chứng nhân cho việc Chúa đã sống lại. Do đó tất cả những đau khổ, thánh giá và sự chết của chúng ta đều có ý nghĩa, vì Chúa đã thực sự phục sinh. Vì Chúa đã Phục Sinh nên Mẹ Maria, Maria Madalêna, và các tông đồ mới hân hoan vui mừng đầy sức sống để làm chứng cho sự Phục Sinh của Ngài. Vì sức sống phục sinh trào dâng trong lòng Mẹ và các Tông Đồ nên Giáo Hội được thành hình và lớn lên xinh đẹp.
Chúa Phục Sinh, Chúa của Lịch Sử Cứu Rỗi
Phúc Âm kể lại những dấu chứng việc Chúa đã sống lại từ cõi chết: chiếc mồ trống, khăn liệm trong mồ, những cuộc gặp gỡ giữa Chúa với Maria Madalêna và các tông đồ. Tất cả những chi tiết trong những lần hiện ra với Mary và các tông đồ đều liên kết với nhau và minh chứng Ngài đã sống lại thật.
Như thế việc sống lại của Chúa không phải là việc tưởng tượng, suy diễn, nhưng thực sự là biến cố lịch sử có nhân chứng thời gian và không gian. Những nhân chứng đó đã bổ túc và làm nên đức tin truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội trong hơn 20 thế kỷ qua. Việc tin Chúa Phục Sinh không phải chỉ là thuần túy của đức tin nhưng còn mang tính chất sự kiện lịch sử. Chúa đã làm biết bao nhiêu phép lạ cứu rỗi giải thoát con người khỏi tăm tối tội lỗi và đưa vào ánh sáng phục sinh cứu rỗi. Phêrô và các tông đồ say sưa đem bình an của Chúa Phục Sinh đến cho từng vạn từng ngàn người.
Biến cố lịch sử này đã và vẫn trở thành trung tâm điểm cho những sinh hoạt của Giáo Hội. Trọng tâm của sinh hoạt tu đức phụng vụ của Giáo Hội phát sinh từ biến cố này. Sức sống và đức tin của Giáo Hội được duy trì và phát triển hằng ngày nhờ việc cử hành mầu nhiệm biến cố này. Sứ mạng truyền giáo và sinh hoạt truyền giáo xoay quanh ý nghĩa của Phục Sinh. Các chương trình giáo dục huấn luyện của Giáo Hội cũng luôn lấy trung tâm mầu nhiệm cuộc thương khó và Phục sinh của để khai thác và đào sâu.
Những cuộc hiện ra của Mẹ Maria trên thế giới cũng đưa con người lơ là với Chúa đến với mầu nhiệm Phục Sinh qua Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể.
Chúa Phục Sinh, Chúa Hằng Sống
Chúa Giêsu thấy rõ Mẹ Ngài luôn ôm ấp và thực hành những gì Ngài đã dậy nên ngài đã đề cao Mẹ trong việc tin và giữ Lời Chúa. Mẹ Ta và anh em Ta là những người nghe Lời Chúa và đem ra thực hành (Lk 8:21). Mẹ luôn tin điều Chúa dậy các tông đồ: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta sẽ không bao giờ chết” (Jn. 11:25, 26).
Mẹ luôn hy vọng và hoàn toàn tin rằng Con Mẹ sẽ sống lại, dù người ta có đánh đòn và giết Ngài thì Ngài cũng sẽ sống lại như Ngài đã nhiều lần nói đến. Đó là lý do để Mẹ thêm can đảm đồng hành theo Chúa trong mọi biến cố khó khăn, đặc biệt trong cuộc thương khó của Ngài. Mẹ tin rằng Con Mẹ là Đấng Hằng Sống, người đời gian ác giết thân xác Ngài nhưng xác Ngài sẽ Phục Sinh khải hoàn.
Mẹ tin Con Mẹ và biết rằng Ngài sẽ phục sinh. Khi Maria Madalena và các Tông đồ còn đang hoang mang về việc phục sinh của Chúa khi thấy xác Chúa không còn trong mồ, thì Mẹ đã đang vui mừng với Con Mẹ vì Ngài đã phục sinh. Nhiều tài liệu trong thời Giáo Hội sơ khai đã đề cập tới Mẹ là người đầu tiên được Chúa hiện đến sau khi ngài Phục Sinh.
Mẹ đã đồng công trọn vẹn với Chúa trong cuộc hành trình cứu chuộc và đặc biệt trong biến cố thương khó vác thánh giá mà không hề nghi ngờ bỏ cuộc, nên Mẹ xứng đáng hưởng ơn Phục Sinh trước hết mọi người. Mẹ luôn tin rằng Con Mẹ là Thiên Chúa, Ngài đã chịu chết và sống lại vinh quang
Với Me. Chúa Giêsu Phục Sinh không chỉ là con người lịch sử của thời gian, của sách vở, nhưng là một Thiên Chúa làm người thật sự sống động trong mọi biến cố to nhỏ trong cuộc đời. Dù Chúa không còn ở với Mẹ như trong gia đình Nazareth xưa, nhưng Mẹ cảm nhận được Ngài vẫn đang sống trong lòng Me, trong đời Mẹ từng giây từng phút. Ở bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì Mẹ cũng cảm được Chúa đang sống trong Mẹ và với Mẹ, đặc biệt trong Thánh giá khổ đau và trong Thánh Lễ.

Related Articles