Ông Richard pindell có viết một truyện ngắn như sau:
Một thanh niên tên là David bỏ nhà đi bụi đời, ăn chơi truỵ lạc. Nhưng sau một thời gian vì thiếu thốn khổ cực chịu không nổi. Cậu viết thư nhờ người Mẹ xin cha cậu cho được trở về nhà. Thư viết như sau:
“Mẹ yêu mến, vài hôm nữa con sẽ đi ngang qua nhà. Xin mẹ nói giùm với cha tha thứ lỗi cho con, cho con được về với cha mẹ. Nếu cha con bằng lòng thì cột miếng vải trắng trên cây táo trước nhà…”
Thế là hai hôm sau David lên xe trở về. Trong lúc xe chạy gần đến nhà, tim cậu càng thêm hồi hộp về việc không biết là có miếng vải trắng nào cột trên cây táo hay không. Cậu nhờ người đàn ông ngồi bên:
-Thưa ông, xin ông làm ơn giúp cháu một việc: Khi xe quẹo trước mặt đây, ông sẽ thấy một cây táo trước nhà nọ. Ông làm ơn cho cháu biết trên cành cây táo đó có miếng vải trắng không.
Khi xe chạy đến gần cây táo. David run run hỏi người đàn ông:
-Thưa ông, ông có thấy miếng vải trắng nào trên cây táo không?
-Ồ, cành nào cũng có miếng vải trắng hết…
Trong nội tâm ta mỗi người có thiện có ác, có vấp phạm có ăn năn. Khốn cho kẻ ác bị kẻ thù ra tay sát phạt. Nhưng phúc đức cho kẻ sa ngã biết ăn năn sám hối mà gặp được sự tha thứ của tình người, tình đồng loại, tình thân quen, tình thương yêu cha mẹ v.v. Câu chuyện ở đầu bài suy niệm hôm nay minh hoạ lời Chúa thật là hấp dẫn: Người cha nhân từ phản chiếu tia sáng lòng thương xót của Chúa. Cũng như ví dụ của bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, Chúa nhấn mạnh đến con chiên bị lạc, đồng tiền bị mất và người con hoang đàng trở về với cùng một ý nghĩa: “vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Rõ ràng những ví dụ trên nói lên sự quảng đại bao la không hề tính toán của Chúa. Nếu là nhà toán học, chắc hẳn họ sẽ nghĩ rằng: mất một con chiên cũng còn 99; mất một đồng vẫn còn 9; và ngay cả mất đứa con cũng còn đứa con khác. Hay nếu là nhà quản lý họ sẽ nghĩ rằng: Bỏ 99 con chiên khác mà đi tìm con chiên lạc, chẳng biết là có tìm đựơc con chiên ấy không hay là lại mất luôn cả 99 con còn lại vì bỏ lơi chúng, sự thiệt hại đó còn lớn lao hơn nhiều. Hay là chỉ mất một đồng bạc mà mất nhiều công đi tìm nó, lại còn mời bạn bè hàng xóm để chung vui, khéo tính ra lỗ mất. Riêng đứa con phung phá, ăn hại, chỉ làm hao tốn tiền của gia đình thì rước nó về nhà làm gì.
Thế mà lòng thương xót Chúa lại khác hẳn, Ngài chỉ biết yêu thương và cứu vớt tội nhân, nên hôm nay Chúa đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ăn uống với họ, vì thế mà người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm xầm xì dị nghị với Chúa Giêsu. Thực ra hành vi ăn năn sám hối của người tội lỗi là hành vi rất công chính, thánh thiện và rất vui mừng. Chúa Giêsu đã tán thưởng yêu thích sự quay trở về đàng ngay chính của họ. Để tường tận dụ ngôn trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau trở về với hoàn cảnh đặc biệt của dân Do Thái xưa kia:
Thời đó các đạo sĩ Do Thái xếp tất cả những ai không tuân giữ luật pháp, những tội nhân vào chung một hạng, họ coi những người đó là “dân của đất”. Có một hàng rào ngăn cách giữa họ và các đạo sĩ Do Thái: khi có một người là dân của đất, thì đừng trao tiền của cho nó, đừng lấy lời chứng của nó, đừng nói điều bí mật cho nó, đừng đặt nó coi trẻ mồ côi, đừng để nó giữ của bố thí, đừng đi đường với nó. Luật cũng cấm đạo sĩ Do Thái không được giao dịch thông thường với họ, không mua bán gì với họ, không dùng bữa với họ. Gả con gái cho một người dân của đất thì như trói cô ấy nộp cho sư tử. Vì lẽ đó, các luật sĩ rất khó chịu khi thấy Chúa Giêsu làm bạn với những người cùng đinh tội lỗi. Liên hệ với hạng người này thì bị ô uế. Người Do Thái ngoan đạo không nói: “Cả Thiên Đàng mừng vui vì một tội nhân ăn năn hối cải”. Nhưng họ nói: “Cả Thiên Đàng vui mừng vì một tội nhân bị huỷ diệt trước mặt Thiên Chúa!”. Họ chờ xem sự huỷ diệt tội nhân chứ không mong chờ tội nhân được cứu thoát.
Thực ra trong xã hội ngày nay vẫn còn có những cái nhìn thiển cận, biết bao nhiêu lời lẽ và ánh mắt thô tục trên những kẻ xấu số, nó là hàng rào ngăn cách trong tầng lớp xã hội, là bức tường ngăn cản sự hợp nhất giữa các dân tộc. Giữa bầu trời u ám ấy, ai sẽ là hiện thân của Đức Kitô để xuất hiện một khuôn mặt yêu thương, nhân từ, quảng đại, thương xót, tha thứ v.v.
Chắc chắn không ai khác ngoài Giáo Hội. Các vị mục tử đã dấn thân vào sứ vụ đặc biệt: đi tìm kiếm người cô đơn, goá bụa, mồ côi, tàn tật, phong hủi, nghèo đói. “Thời nào thì có thánh ấy”. Các Ngài vẫn nối tiếp con đường của Đức Kitô để đi tìm con chiên lạc, đồng tiền bị mất và ôm ấp yêu thương những tội nhân thống hối trở về chính lộ. Đó là khuôn mẫu của Đức Kitô, vì:
“Con Người đến tìm kiếm những gì đã mất”. “Người lành không cần đến thầy thuốc mà là kẻ đau yếu”.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ ban cho chúng con tâm tình của Mẹ, hợp với tâm tình rộng mở của Đấng Cứu Độ, chúng con sẽ hăng say sưởi ấm nhân loại, nhất là những linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn.
Br. B.M. Thiện Mỹ, CMC