Dấu chỉ ơn gọi


Làm sao biết được con đường Chúa muốn cho chúng ta đi, địa vị chúng ta sống? Làm sao biết mình có ơn Kêu Gọi? Ðó là điều băn khoăn của các bạn.
Trước hết, nhiều khi Chúa kêu gọi một cách trực tiếp, rõ ràng bằng những DẤU bề ngoài.
Hỡi Abraham, hãy bỏ quê hương bà con thân thuộc, bỏ nhà Cha ngươi để đến xứ mà Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ của một dân tộc” (Sáng Thế 12,1). Ðó là ơn gọi của tổ phụ Do Thái, ông Abraham.
Chúa đến bên cạnh Mathêu đang ngồi bên két bạc. “Hãy theo Ta” (Mt. 9,9). Ðó là ơn gọi của thánh Mathêu Tông Ðồ.
Nhiều khi có ơn gọi rõ ràng nhưng bị chống đối hoặc chấp nhận một cách miễn cưỡng trong lo sợ. Maisen nói cùng Ðức Giavê: “Tôi là ai mà dám đi gặp vua Pharaon… Xin lỗi Ngài tôi không có tài ăn nói. Miệng tôi thô sơ, lưỡi tôi nặng nề” (XH. 4,10). Lời của Giavê phán cùng Gionas: “Hãy đứng lên đi về thành Ninivê và loan báo cho họ biết tội ác của họ đã kêu lên đến Ta. Gionas lên đường nhưng lại chạy trốn sang Tarsis, xa Ðức Giavê” (Jon.1,1-2).
Trong lịch sử Giáo Hội, thánh Ephrem được gọi chịu chức Linh mục hoảng sợ quá đã giả vờ người điên. Thánh Athanasio và Cyprianô được gọi chịu chức thánh. hoảng quá đã chạy trốn.
Nhiều khi tiếng Chúa vọng lên một nơi và bằng phương tiện bất ngờ nhất. Cha Jer. Planus kể chuyện một nhà quý phái thích làm le với các cô các bà. Bị con ngựa trở chứng hất té nhào vào đống phân. Bị các bà các cô cười cho một trận… Xấu hổ chán đời… đi tu! Cha Giuse Lupo, Giám đốc ơn gọi của Dòng Thiên Chúa Ba Ngôi tại Hoa Kỳ, năm 1971 có sáng kiến đăng một quảng cáo nhỏ về ơn kêu gọi trong tạp chí mà nhiều thanh niên hay đọc, tạp chí Playboy. Kết quả bất ngờ: nhờ quảng cáo ấy mà 27 chàng thanh niên đã đến tìm hiểu Tập Viện và Ðại Chủng Viện của Dòng tải Garrison, tiểu bang Maryland.
Phần đông các trường hợp Chúa không hiện hình ra hay bày tỏ rõ ràng, Ngài thường dùng những cái mà các nhà Thần học quen gọi là DẤU ƠN GỌI để tỏ cho chúng ta biết thánh ý của Ngài muốn cho chúng ta đi về đâu.
A. DẤU HƯỚNG VỀ CUỘC SỐNG ÐÔI BẠN
Phần đông các bạn thanh niên thiếu nữ sẽ hướng về cuộc sống đôi bạn. Hỏi rằng có những DẤU nào rõ ràng khả dĩ có thể kết luận về việc ấy không? Khó quả quyết, nhưng có những Dấu sau đây có thể dùng để định hướng:
1. Thích cuộc sống đôi bạn. Không bao giờ nghĩ đến việc đi tu hay ở độc thân để phục vụ.
2. Hướng chiều về những thú vui nhục dục trong tư tưởng, lời nói, việc làm.
3. Hay lỗi phạm về đức trong sạch.
4. Không có một ý chí mạnh mẽ.
5. Thích một đời sống dễ dãi, không thích chịu khó.
6. Ðời sống đạo đức tầm thường, nhiều khi giữ đạo vì thói quen, vì liên hệ gia đình hơn là vì xác tín.
Ðó là ít dấu chỉ. Nói như vậy không phải là tất cả những ai đi kết bạn đều có những nhược điểm ấy. Nhưng đó là ít điểm hướng dẫn khi phải đặt vấn đề trong việc tìm hiểu ơn gọi.
B. DẤU HƯỚNG VỀ CUỘC SỐNG ÐỘC THÂN
Có những dấu chỉ tóm lược như sau:
1. Không có đủ điều kiện để đi tu mà cũng thiếu điều kiện để lập gia đình, vì thể xác, bệnh tật, tính tình hoặc chính mình không thích tu mà cũng không thích lập gia đình.
2. Muốn hiến dâng cuộc đời để phục vụ một lý tưởng, đeo đuổi một chí hướng.
Muốn sống đời độc thân ấy phải có 3 điều kiện sau đây:
- Tinh thần cương quyết
- Một đời sống đạo đức vững chắc
- Một nghề nghiệp bảo đảm cuộc sống tự lập, không phải dựa vào người khác. Có một chổ ở tương đối bảo đảm an ninh nếu mình là phụ nữ.
C. DẤU ƠN GỌI TU TRÌ
(Signes Probateurs de Vocation)
Cho đến nay các nhà Thần Học cũng không hiểu nổi bản chất của ơn gọi và Giáo Hội cũng không tuyên bố gì về bản chất ấy. Tuy nhiên trong thực tế, Giáo Hội đã theo đường hướng sau đây:
Ðầu thế kỷ 20 này đã có một cuộc tranh luận quan trọng về Ơn Gọi làm Linh mục. Ðức Giáo Hoàng Piô thứ X đã thiết lập một Ủy Ban gồm các Hồng Y để học hỏi về vấn đề ấy. Ủy Ban đã đúc kết thành một quyết nghị đệ lên Ðức Thánh Cha ngày 20.6.1912 và được phi chuan ngày 26.6.1912. Quyết nghị ấy đã trở nên khuôn vàng thước ngọc để định đoạt về Ơn Gọi vào bậc tu trì. Sau này, quyết nghị ấy cũng được áp dụng trong Giáo Luật 1917 ở điều khoản 538 và trong bộ Giáo Luật mới 1983 ở điều khoản 642.
Dựa trên quyết nghị ấy, về phần tiêu cực, người muốn đi tu phải là người không vướng mắc những ngăn trở khiến cho việc gia nhập Dòng Tu trở nên bất thành hoặc bất hợp pháp. Ví dụ: Vào Tập Viện khi chưa đủ 17 tuổi hoặc còn vợ, chồng hoặc từ Dòng tu khác qua mà không có phép chính thức theo Giáo Luật (GL.643)
Nhưng quan trọng hơn cả là phần tích cực gồm có những cái mà nhà Tu Ðức và Thần Học gọi là các DẤU MINH CHỨNG ƠN GỌI (signes probateurs de Vocation). Các Dấu nào?
1. Trước hết phải xét đến Thiện Chí hay ý ngay lành của thỉnh sinh. Muốn tận hiến cho Chúa trước tiên phải ước ao, phai muốn đi Tu. Không phải chỉ là một ước muốn mơ hồ, mà là một ý muốn cương quyết mạnh mẽ và lâu bền đầy ý thức. Ðành rằng có thể có những hối tiếc, những cám dỗ như truyện bà thánh Chantal, nhưng đương sự vẫn cố gắng và cương quyết vượt qua. Ði theo Chúa không phải vì vụ lợi vì danh vọng mà vì muốn nên trọn lành. Chúa phán cùng người thanh niên: nếu con muốn nên trọn lành hãy về bán hết tài sản…… Ðó là dấu căn bản thứ nhất. Nhưng thiện chí thôi không đủ. Cần có những khả năng nữa. Khả Năng là gì? Là những đức tính tự nhiên và siêu nhiên khiến cho người thỉnh sinh có hy vọng vuông tròn với cuộc sống mình chọn. Ði tu là tu cả con người. Và ơn thánh không cản trở hay thay thế bản chất tự nhiên mà chỉ siêu hóa và thánh hóa. Vì vậy phải chú trọng đến các đặc tính tự nhiên và siêu nhiên. Bà thánh Jeanne de Chantal nói với chị em trong Dòng rằng: Hãy chú trọng đến phương diện tự nhiên của các thiếu nữ được nhận vào Dòng. Vì bản chất tự nhiên không chết và với thời gian có thể vùng lên. Ít kẻ nhận ơn để kềm chế bản năng xấu tự nhiên. Ít khi một thiếu nữ có bản tính tốt và có trí khôn mà lại hư mất.
2. Có 5 Khả Năng thường được cân nhắc khi thẩm xét một ơn kêu gọi vào Dòng.
1- GIA ÐÌNH (Souche)
Thật ra ngày nay Giáo Hội bãi bỏ ngăn trở về gia đình trong việc tu trì như đối với con ngoại hôn. Nhưng thường phải thẩm xét về thế giá của gia đình. Thế giá đây không phải là vấn đề giàu nghèo, sang hèn, mà chú tâm đến sự liêm chính, đức tính làm ăn cần cù, nhất là lòng đạo đức của người làm cha mẹ. Cây lành thường sinh trái tốt. Kinh nghiệm cho thấy những ơn gọi thường phát xuất từ vùng quê, trong những gia đình đạo đức làm ăn cần cù tiết kiệm.
2- SỨC KHỎE VÀ TÍNH TÌNH (Santé)
Không cần phải là nhà lực sĩ mới đi tu được. Nhưng người Thỉnh Sinh phải có một sức khỏe vừa phải, khả dĩ vuông tròn bổn phận mai sau. Sức khỏe ảnh hưởng đến tính tình, học vấn và nhân đức. Thể xác yếu nhược thường làm cho ý chí cũng bị ảnh hưởng.
Về tính tình, muốn đi tu phải tập cho có một tính khí QUÂN BÌNH. Không cực đoan. Không nhu nhược mà cũng không ngang ngược. Quá yểu điệu có thể bị gẫy dưới gánh nặng, mà quá ương ngạnh cũng có thể bể gẫy và đạp đổ, làm một nhà cách mạng dễ hơn là một nhà tu. Phải đề phòng tính đa sầu đa cảm, sống với gió và với trăng. Phải tập bỏ tính hoài nghi và thiếu cởi mở. Ði tu là sống và làm việc chung, không được cô đơn như một hòn đảo. Họ sẽ đau khổ và làm cho người khác cũng đau khổ trong đời sống chung.
3-   HỌC VẤN (Science)
Muốn đi tu phải có một nền học vấn căn bản. Bên Hoa Kỳ này thường là hết bậc Trung Học. Cách riêng phải có một trí PHÁN ÐOÁN vững chắc. Chạm “mát” không đi tu được. Trí khôn cởi mở có thể hiểu biết về đời sống tu và đại cương về khoa tu đức.
4-   LÒNG ÐẠO ÐỨC (Sainteté)
Lòng đạo đức gồm 3 phương diện sau đây cần phải được xét đến:
a. ÐỜI SỐNG NỘI TÂM
- Thích cầu nguyện, sống kết hợp với Chúa, dựa trên một nhu cầu sống hơn là trên tình cảm. Tuy nhiên đây là một sự cố gắng cả một đời, không thể đòi hỏi có ngay từ đầu được.
b. ÐỨC TRONG SẠCH
- Người tu sĩ sẽ khấn đức khiết trinh, cần có sự cố gắng để chế ngự tình cảm từ ban đầu. Lỗi phạm sơ qua và đã ăn năn thống hối, không đặt thành vấn đề. Nhưng khi đã thành tập quán, sa đi ngã lại nhiều lần, không nên đi vào đời tu trì.
c. LÒNG QUẢNG ÐẠI HY SINH
- Hay thương giúp kẻ khác là đức tính cần thiết. Người ích kỷ chỉ biết có mình thôi không đi tu được.
5-   ÐẶC TÍNH XÃ HỘI (Socialbilité)
Người tu sĩ phải biết sống chung. Ðời tu đòi hỏi đặc tính xã hội, hòa mình với kẻ khác. Vì thế phải tập cho có một tính tình dễ dãi, không nên là thánh giá cho kẻ khác nhưng đem niềm vui cho những người chung quanh.
ƠN GỌI THÀNH HÌNH VỚI SỰ CHẤP THUẬN CỦA BỀ TRÊN
Xưa nay có nhiều tiếng gọi vọng lên mà không có sự đáp ứng. Chúa Giêsu gặp một thanh niên, người nói với anh: “Nếu anh muốn nên trọn lành thì hãy đi bán những gì anh đang có. Bố thí cho người nghèo khó và anh sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy trở lại theo Ta. Nghe lời ấy, người thanh niên bỏ đi buồn rầu, vì anh có nhiều của cải” (Mt.19,21-22).
Nhiều khi tiếng Chúa cũng vọng lên rồi mất tăm trong sa mạc, không có đáp ứng hay bị phản bội. Staline là một cựu chủng sinh. Nhà cách mạng khát máu Robespierre lúc thiếu thời đã được Cha Linh Hướng bảo: “Con có ơn gọi làm Linh mục”.
Vậy điều cần thiết là tìm hiểu ơn gọi rồi đem hết thiện chí đáp ứng. Nhưng thiện chí cũng như những khả năng nói trên mà mỗi Thỉnh Sinh cố tập cho có, nói được chỉ là chất liệu của ơn gọi.
Muốn thành Ơn Gọi thật thì phải có sự chấp thuận của Bề trên. Trong Giáo Hội, Chúa điều khiển các linh hồn qua các Ðấng Bề Trên.
Trước một Ơn Gọi, cá nhân mỗi đương sự phải đi tìm hiểu học hỏi. Bề trên cũng cân nhắc suy nghĩ và quyết định. Sự chấp thuận của Bề trên, Giáo Hội làm cho Ơn Gọi thành hình và hoàn hảo. Người Thỉnh Sinh có thể nói: Tôi có Ơn Gọi và khi được Khấn Dòng thì trở nên Tu Sĩ thật của Chúa và Giáo Hội.
KẾT LUẬN
Mỗi người trong chúng ta cần phải tìm cho được con đường mà Chúa muốn cho mình đi. Hạnh phúc cả cuộc đời tùy thuộc sự việc ấy. Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện, hãy tìm hiểu, hãy xin ơn soi sáng.
Cha mẹ thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, ông Martin và bà Guerine đã đi tìm hiểu đời sống tu trì. Nhưng Chúa không muốn cho họ đi con đường ấy và họ đã bước vào cuộc sống gia đình và nên thánh. Phải chăng Chúa cũng muốn cho các bạn đi vào cuộc sống hôn nhân ấy? Hai ông bà có 5 người con Têrêxa là con út, đã vào Dòng Kín. Con đường ấy, biết đâu cũng là con đường của một số trong các bạn?
Chúng tôi xin kết luận với lời tâm huyết của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI:
“Chúng tôi kêu gọi cách riêng các bạn trẻ mà chúng tôi rất ưu ái. Các bạn chưa có một quyết định tối hậu nào để các bạn tỏ ra hào hiệp hy sinh. Có rất nhiều tiếng gọi. Có rất nhiều ngã đường đang mở ra trước mắt các bạn, kêu mời bạn tiến lên để phục vụ dân Chúa và Giáo Hội. Phải chăng tiếng gọi này sẽ không có đáp ứng? Phải chăng con đường ấy sẽ không có người đi? Các bạn đầy rộng lượng hy sinh. Hãy hy sinh cho lý tưởng ấy. Vì sao bạn dừng chân và chờ đợi? Trong khi đó thế giới này đang thay đổi mau lẹ. Từng đoàn người mới xuất hiện trên trái đất. Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi người. Cho người nghèo khó hôm qua cũng như ngày nay và ngày mai. Luôn luôn có những người đói khát, lao tù, những người bệnh tật trong thể xác và tâm hồn.
Họ đang chờ đợi bạn, Trong họ, Chúa Giêsu đang chờ đợi bạn. Có việc cho mọi người! Có chỗ đang đón bạn”
(Trích lời Hiệu Triệu của Ðức Phaolô VI nhân ngày Thiên Triệu 13.5.1973).
Previous Post Next Post