Cái áo không làm nên thầy tu

Admin
0

Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXXI/TN-A – Mt 23, 1-12) trình thuật Lời Đức Ki-tô lên án “Các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình”. Cứ tưởng thời Đức Giê-su mới có đám kinh sư, tư tế Pha-ri-sêu giả hình, bị Người lên tiếng khiển trách; thực không ngờ đám người này đã có từ thời Cưu Ước (“ĐỨC CHÚA các đạo binh phán với các ngươi là những tư tế khinh thường danh Ta…” – Ml 1, 6; “Nhưng các ngươi, các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã huỷ hoại giao ước với Lê-vi. – Đức Chúa các đạo binh phán: Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng luật.” – Ml 2, 8). Cho đến thời đại ngày nay thì đám người giả hình không còn giới hạn vào một giai cấp nào nữa, mà nhan nhản khắp nơi. Vì thế, nên mới có câu nói: “Ngày nay những người Pha-ri-sêu không còn, nhưng lối sống Pha-ri-sêu thì lại đầy rẫy.”

Giả hình ư? Kẻ viết bài này vẫn chưa quên câu chuyện một quan đầu ngành giáo dục Việt Nam cho biết ở VN (thời điểm 2.011) có hơn 8.000 bằng tiến sĩ, thì có tới 5.500 bằng giả (phải nói là bằng thật, nhưng chất lượng dỏm mới đúng, vì đây là những bằng cấp có chữ ký và con dấu của người có chức có quyền thực sự, nhưng do chạy chọt, mua bán mà có, chớ chẳng học hành, thi cử gì cả). Ấy là chưa kể 2.500 bằng kia (8.000 – 5.500 = 2.500) thì nó “thật” tới cỡ nào? “Thật” tới cỡ “học sinh học lớp 6 mà vẫn chưa biết đọc, biết viết; học tới lớp 12 mà bài toán 4 chia cho 2 (4:2) không biết được mấy lần!!!” chăng? Tới năm nay (2.017) thì con số bằng tiến sĩ đã lên tới 30.000 bằng, vậy thì số bằng giả là bao nhiêu? Ôi chao! Nói đến chạy chọt, mua bán là nói đến tham nhũng, mà tham nhũng ở VN hiện nay đã là quốc nạn, khó mà bài trừ. Không những đại gia tham nhũng là những người cầm cân nảy mực cỡ bự không với tới được, mà còn có chuyện muốn thoát khỏi tội tham nhũng (còn được khen thưởng thanh liêm nữa là khác) thì phải biết hối lộ những quan đầu ngành chống tham nhũng. Mà những quan tham cỡ bự thì lại thường hay có cái miệng lớn tiếng hô hào chống tham nhũng mạnh hơn ai hết. Hệt những anh chàng sợ ma lúc nào cũng vỗ ngực xưng mình là không sợ ma, nhưng gặp cảnh trớ trêu thì cắm đầu chạy vắt giò lên cổ ngay! Muốn tham nhũng thì cách hay nhất (chắc ăn như bắp) là khoác lên người bộ áo “chống tham nhũng”. Thế đấy!


Mặc áo “chống tham nhũng” để tham nhũng ư? Vâng, quả thực “cái áo không làm nên thầy tu”. Mà kể cả những thầy tu chính hiệu con nai vàng (danh chính ngôn thuận mặc “áo thầy tu” đàng hoàng) cũng chưa chắc đã là thầy tu với phẩm chất đích thực của người tu hành (chân tu). Cái vẻ bề ngoài nhiều khi phản ảnh trung thực cái cốt bên trong, nhưng cũng chẳng thiếu cái vẻ bề ngoài trái ngược với cái cốt bên trong. Hiện tượng phản ánh bản chất, nhưng nhiều khi hiện tượng lại đối kháng với bản chất, cũng là lẽ thường tình. Nhìn chung, những loại trái cây (như cam, quít…) khi chưa chín thì vỏ màu xanh, khi chín thì vỏ đổi thành màu vàng hoặc đỏ. Nhưng ngày nay có những loại cam chín rồi, ăn được rồi, mà vỏ vẫn màu xanh, hoặc như dưa hấu khi còn xanh hay lúc đã chín vỏ vẫn màu xanh, nhưng ruột thì có khác (còn xanh thì ruột màu trắng, khi chín thì ruột màu đỏ).

Với những loại trái cây ấy, nếu không thực nghịêm bằng cách bổ ra, thì không phân định được trái đã chín hay còn xanh, mà nếu ai đi mua trái cây cũng đòi bổ ra thì người bán... “bó tay chấm.com”! Cũng có thể dùng tay vỗ vào vỏ hoặc quan sát kỹ cuống trái cây, nhưng đó lại phải là người từng trải, có kinh nghiệm mới biết được. Trái cây mà còn như vậy, huống chi là con người. “Xanh vỏ đỏ lòng” là vậy đó; chẳng khác chi những chuyện ngụ ngôn: “Cái thùng không” (thùng rỗng kêu to), “bông lúa lép”, “tốt mã giẻ cùi”, hoặc những câu ca dao tục ngữ VN: “Giẻ cùi tốt mã dài lông, Bên ngoài hào nhoáng bên trong ra gì!”, “Trông em anh ngỡ sao mai, Biết rằng trong có như ngoài hay không?”, “Thoạt trông ngỡ tượng tô vàng, Nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa”.

Nói như thế để thấy được “cái áo không làm nên thầy tu”, nhưng thầy tu giả thì lại rất cần có cái áo đó. Thật giả khôn phân, trắng đen khó lường! Đời mà! Giả hình ư? Quái! Sao chẳng thấy ai ham trở thành những kẻ nghèo nàn, hèn mọn trong xã hội, mà chỉ toàn thấy mê những thầy tu, bàc sĩ, kỹ sư, giám đốc hoặc những đại gia giàu sụ… mà thôi. Hoá cho nên cũng chẳng lạ lùng gì khi thấy những kinh sư, ngôn sứ giả hình “họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi" (Mt 23, 5-7). Và vì thế, nên “tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” Tại sao lại thế? Ấy cũng bởi vì “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (Mt 23, 3-5). Làm cho ra vẻ ta đây, để mọi người nhìn thấy, chớ không phải làm cho công việc đạt hiệu quả tốt.

Chính điều này đã nói lên những cao vọng của con người thường đưa đến tội đầu tiên trong 7 mối tội đầu: Kiêu ngạo. Vì thế nên ngay sau khi lên án bọn kinh sư Pha-ri-sêu giả hình, Đức Ki-tô dạy các môn đệ phải biết sống khiêm nhường (Mt 23, 8-12). Thời nay, chỉ toàn thấy những cao nhân mồm loa mép giải hô hào thiên hạ sống khiêm nhường, còn bản thân mình thì... hãy đợi đấy! Hô hào thiên hạ thì cao giọng lắm, nhưng chỉ cần thấy ai bằng mình thôi (chớ đừng nói là hơn) đã vội vàng dèm pha, đố kỵ, cố hạ bệ cho bằng được. Kẻ viết bài này vì làm trong Ban Phục vụ Huynh đoàn Đa minh Giáo phận Saigon (trước đây gọi là Huấn đức, nay gọi là Phụ trách Học tập), được tham dự nhiều cuộc bầu cử tại các Huynh đoàn, nên không ít lần được nghe kể (thậm chí còn được "thực mục sở thị" nữa) về những Pha-ri-sêu-thời-đại.

Ở một Huynh đoàn nọ, vị Đoàn trưởng đã ngoại bát tuần (83 tuổi rồi), làm Đoàn trưởng qua 3 nhiệm kỳ, nay lại muốn làm thêm nhiệm kỳ nữa (trong khi đó Luật Sống Huynh đoàn lai quy định một đoàn viên chỉ được làm Đoàn trưởng tối đa là 2 nhiệm kỳ, nếu muốn làm thêm thì cũng chỉ được xin lưu nhiêm thêm một nhiệm kỳ nữa mà thôi). Khổ một nỗi, cha chính xứ (là linh hướng của Huynh đoàn ấy) lại dạy thế này: "Ông ấy đang làm Phó trương là đang làm quan, phải để ông ấy làm Đoàn trưởng, chứ không thể xuống làm ‘lính’ được. Tôi đã yêu cầu cha Đặc trách Huynh đoàn Giáo phận Saigon cho ông ấy được lưu nhiệm." Như vậy cũng có nghĩa làm Đoàn trưởng là "làm quan", cón tất cả chỉ là đơ-dem-cùi-bắp (deuxième classe = binh nhì = lính bét) hết trơn! Chính ngay Cha Đặc trách Huynh đoàn Giáo phận cũng ngán ngẩm lắc đầu, le lưỡi: “Tôi dù biết rõ là sai luật (lưu nhiệm đến 4 nhiệm kỳ) nhưng cha chính xứ đã can thiệp thì tôi cũng đành bó tay!” Ô hô! Ai tai!

Đến như Cha Đặc trách còn bó tay thì Ban phục vụ Huynh đoàn Giáo phận là cái thá gì mà không ”botay.chấm.com”. Thật hết biết! Chẳng hiểu là do vô tình (hay cố ý?) mà đã quên đi Lời dạy của Đức Ki-tô: "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo (làm “quan” đấy!), vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên." (Mt 23, 8-12). Ôi chao! Vẫn nghĩ cái bả vinh hoa quyền thế ngoài xã hội có một ma lực hấp dẫn con người đến mê mẩn; dè đâu trong một tôn giáo, mà vẫn còn quan niệm ”lính và quan” như thế! Dù sao thì cũng vẫn chỉ là “C’est la vie!” Đời mà! Đến như Đức Giê-su Thiên Chúa còn bị ma quỷ đem cái bả vinh hoa quyền thế ra cám dỗ (Mt 4, 1-11), huống chi loài người!

Với câu chuyện “lính và quan” nêu trên, kẻ hèn này không kềm được tính nói thẳng, đã viết một bức thư tâm huyết gửi ban Phục vụ Huynh đoàn ấy, trong đó có đoạn: "Đề nghị quý Ban Phục vụ phải bỏ ngay quan niệm “lính và quan”. Ngay ở thời phong kiến, đã có câu tục ngữ: “quan nhất thời, dân vạn đai” (làm quan chỉ có một thời, còn làm dân thì muôn đời) và Đức Vạn thế sư biểu (“Thầy dạy muôn đời” Khổng Tử) cũng dạy: "Dân vi quý, quân vi khinh, xã tắc thứ chi" (Dân là quý nhất, vua thì nhẹ hơn, rồi thứ đến mới là quốc gia). Chúng ta làm trong ban Phục vụ, thì phải luôn tâm niệm trong ý thức quan điểm chủ đạo của Ki-tô Giáo, đặc biệt là trong Dòng Đa Minh (có một vị Tổ phụ đã từng bán cả gia tài của mình là bộ sách Chú giải Tin Mừng để lấy tiền cứu đói người nghèo khổ, ngài tuyên bố: "Tôi không thể sống trên những tấm da chết đang khi những người ở chung quanh tôi chết đói". Trước khi về cõi vĩnh hằng, Cha thánh còn trối trăng: "Anh em yêu dấu, gia sản cha để lại cho anh em là: Hãy sống bác ái, khiêm tốn và khó nghèo tự nguyện").

Xin thưa với quý ban Phục vụ về ý nghĩa của chữ “phục vụ“: Theo từ nguyên thì “phục vụ“ (服 務) là quỳ xuống làm việc (“phục” là phủ phục, là quỳ xuống, cúi xuống, nằm phục; “vụ” là công việc), như xưa Đức Giê-su, Người là Thiên Chúa, là Vua Vũ trụ, mà còn quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Chính Người đã dạy: "Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên." (Mt 23, 8-12); "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mt 20, 28); "Anh em thì không như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ." (Lc 22, 26). Mong rằng quý ban Phục vụ hiểu cho nỗi khổ tâm của tôi khi phải đề cập đến vấn đề này."

Cuối cùng, trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, người Ki-tô hữu nên hiểu rằng: Phẩm giá con người không ở nơi quyền cao chức trọng với mũ áo hào nhoáng, xe cộ xênh xang, nhà cửa hoành tráng, tiền của dư đầy. Tất cả những thứ đó chỉ là cái vỏ bên ngoài, hư ảo, chóng qua. Giá trị đích thực của con người là ở nơi “tính vốn lành” (người mới sinh tính vốn lành – “Nhân chi sơ, tính bản thiện” – Nho giáo), là ở nơi “lương tâm” (lòng lành) như “Giáo lý Hội Thánh Công Giáo” (điều 1776) khẳng định: “Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người… Quả thật con người có một lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá con người… lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ (GS 16)”.

Vấn đề đặt ra là phải biết mỗi con người sinh ra đều giống với hình ảnh Thiên Chúa. Với Ki-tô hữu thì còn hơn thế, vì còn được mang danh hiệu của Thiên Chúa và còn được nhận làm bạn Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa (Ki-tô hữu). Hình ảnh và danh hiệu của Thiên Chúa đã đóng ấn trên mỗi con người Ki-tô hữu, được tham dự vào ngôi vị “Vương giả - Tư tế - Ngôn sứ” tức là đã được cùng làm vua với Vua Vũ Trụ; như vậy thì còn ham tranh bá đồ vương với những chức “quan” như thế làm chi? Không tranh quyền đoạt lợi bằng ngón võ ”giả hình”, mà hãy sống đúng vị trí, giá trị của người giáo dân. Ðiều cần thiết là khi thi hành sứ vụ tông đồ, người Ki-tô hữu phải theo chỉ thị của Chúa đã ban trong bài Tin Mừng hôm nay. Cần phải hạ mình xuống, không được tìm vinh dự cho mình, nhưng phải lưu tâm làm vinh danh Thiên Chúa. Không được đưa mình lên trên người khác, nhưng phải trở nên tôi tớ phục vụ mọi người. Ước được như vậy. Amen.



JM. Lam Thy ĐVD.| Thánh Linh

Post a Comment

0Comments
Post a Comment (0)